Cửa gỗ: Phân loại, yêu cầu kỹ thuật với cửa sổ, cửa đi
Cửa gỗ làm bằng gỗ tự nhiên hoặc các loại gỗ dán, gỗ ép đều phải đảm bảo các yêu cầu kỹ thuật về kích thước (độ vuông, vênh, cong), về độ bền (độ chịu va đập, áp lực gió), về độ kín (độ kín nước, khí), về độ bền lâu (độ chống mối mọt, nấm mốc) và về vật liệu làm cửa. Bài viết này là trích dẫn các mục từ 1 đến 8 trong “TCVN 9366-1: 2012 - Cửa đi, cửa sổ - Phần 1: Cửa gỗ”. Mời quý vị tham khảo.
Nội dung phần trích dẫn:
1. Phạm vi áp dụng
2. Tài liệu viện dẫn
3. Ký hiệu và chữ viết tắt
4. Phân loại
5. Yêu cầu kỹ thuật
6. Yêu cầu về gia công - liên kết - lắp đặt
7. Phương pháp thử
8. Ghi nhãn, bảo quản và vận chuyển
1. Phạm vi áp dụng
Tiêu chuẩn này quy định các yêu cầu kỹ thuật và hướng dẫn lắp đặt cửa đi, cửa sổ thông dụng bằng gỗ có khuôn cố định hoặc không có khuôn, mở theo kiểu bản lề.
Chú thích:
1) Các yêu cầu đặc biệt về an toàn cháy, an toàn bức xạ,... không quy định ở tiêu chuẩn này;
2) Tiêu chuẩn này được tham khảo áp dụng cho các cửa có kích thước khác với quy định trong tiêu chuẩn này.
2. Tài liệu viện dẫn
Các tài liệu viện dẫn sau rất cần thiết khi áp dụng tiêu chuẩn này. Đối với các tài liệu viện dẫn có ghi năm công bố thì áp dụng phiên bản được nêu. Đối với các tài liệu viện dẫn không ghi năm công bố thì áp dụng phiên bản mới nhất, bao gồm các sửa đổi, bổ sung (nếu có).
TCVN 2737:1995, Tải trọng và tác động - Tiêu chuẩn thiết kế.
TCVN 5373:1991, Đồ gỗ - Yêu cầu kỹ thuật.
TCVN 7452-1:2004 (EN 1026:2000), Cửa sổ và cửa đi. Phương pháp thử. Phần 1: Xác định độ lọt khí.
TCVN 7452-2:2004 (EN 1027:2000); Cửa sổ và cửa đi. Phương pháp thử. Phần 2: Xác định độ kín nước.
TCVN 7452-3:2004, Cửa sổ và cửa đi. Phương pháp thử. Phần 3: Xác định độ bền áp lực gió.
TCVN 7452-6:2004 (ISO 9379:1989), Cửa sổ và cửa đi. Phương pháp thử. Phần 6: Thử nghiệm đóng và mở lặp lại.
ISO 6443, Door leaves - Method for measurement of height, width, thickness and squareness (Cánh cửa - Phương pháp đo chiều cao, chiều rộng, chiều dày và độ vuông góc).
AS 2688, Timber doors (Cửa gỗ).
3. Ký hiệu và chữ viết tắt
3.1. Cửa được ký hiệu bằng nhóm chữ cái La tinh và nhóm chữ số Ả rập. Nhóm chữ cái La tinh thể hiện tên gọi. Phần chữ cái in nhỏ chỉ vật liệu chủ yếu chế tạo cánh cửa, đặt ở dưới, bên phải ký hiệu. Nhóm chữ số Ả rập thể hiện kích thước ô cửa (chiều rộng và chiều dài) và áp lực gió thiết kế (nếu có).
3.2. Một số ký hiệu được dùng trong tiêu chuẩn này:
- S: Cửa sổ;
- Đ: Cửa đi;
- G: Gỗ;
- T: Thép;
- N: Hợp kim nhôm;
- Nh: Nhựa;
- K: Kính.
Ví dụ quy định ký hiệu cửa: Cửa SGK 1200 x 1500 - 980 Pa có ý nghĩa là Cửa sổ gỗ - kính có chiều rộng ô cửa 1200 mm và chiều cao 1500 mm, chịu được áp lực gió thiết kế là 980 Pa.
4. Phân loại
Tùy theo hình thức đóng mở, cửa được phân loại như sau (Xem Hình 1):
- Kiểu bản lề đặt đứng, đặt ngang hoặc hỗn hợp;
- Kiểu mở xoay, theo trục thẳng đứng hoặc trục ngang;
- Kiểu trượt đứng hoặc trượt ngang;
- Kiểu tay đòn.
Hình 1 - Các hình thức mở cửa.
5. Yêu cầu kỹ thuật
5.1. Kích thước hình học và các sai lệch về kích thước
5.1.1. Kích thước của cửa đi, cửa sổ bằng gỗ được quy định trong Bảng 1.
Kích thước | Cửa đi (mm) | Cửa sổ (mm) | Độ sai lệch cho phép với kích thước tiêu chuẩn (mm) | ||
Lớn nhất | Thông dụng | Lớn nhất | Thông dụng | ||
1. Chiều cao ô cửa | 2400 | 2100; 2400 | 1800 | 1200; 1500; 1600; 1800 | ± 2 |
2. Chiều cao cánh cửa | 2340 | 2040; 2340 | 1700 | 1100; 1400; 1500; 1700 | ± 2 |
3. Chiều rộng ô cửa | 1600 | 2000 | ± 2 | ||
4. Chiều rộng cánh cửa | 500; 600; | 650 | 350 x 2; 350 x 4; | + 2 | |
700; 800; 900; |
450 x 2; 450 x 3; | + 2 | |||
550 x 2; 650 x 2; | 450 x 4; 550 x 1; | + 2 | |||
550 x 3; 650 x 3; | 550 x 2; 550 x 3; | + 2 | |||
700 x 2; 750 x 2 | 650 x2; 650 x 3; | + 2 | |||
5. Chiều dày | 40 | 35 | 40 | 35 | ± 1 |
Chú thích: 1) Kích thước trong Bảng là kích thước đã hoàn thiện của ô cửa. 2) Chiều cao ô cửa bằng tổng chiều cao cánh cửa, chiều rộng thanh ngang của khuôn cửa và 10 mm. 10 mm là khoảng cách giữa mép dưới của thanh cái ngang của cửa đi và mặt sàn đã hoàn thiện. 3) Chiều rộng ô cửa bằng tổng chiều rộng của cánh cửa và các thanh đứng của khuôn cửa. |
Bảng 1 - Kích thước cơ bản của cửa đi, cửa sổ gỗ.
5.1.2. Các sai lệch kích thước cho phép về độ vuông, độ vênh và độ uốn cong được quy định trong Bảng 2.
Các chỉ tiêu | Phương pháp kiểm tra kích thước | Sai lệch cho phép | Ghi chú |
1. Độ vuông | Đo và tính hiệu số chiều dài hai đường chéo trong mặt phẳng khung cửa hình chữ nhật. | Không lớn hơn 3 mm | |
2. Độ vênh | Đo độ chênh lệch của góc thứ tư với mặt phẳng chuẩn bằng thước thẳng hoặc dây dọi có độ chính xác tới 0,5 mm. | Không lớn hơn 3 mm | Tham khảo Phụ lục A của tiêu chuẩn này và ISO 6443 |
3. Độ cong | Đo khoảng cách lớn nhất tại các điểm đo, thẳng góc với mặt cửa và thước đo có độ chính xác tới 0,5 mm. Tính tổng chiều dài chuyển vị tại các điểm đo | Không lớn hơn 3 mm đối với chiều cao cửa nhỏ hơn 2100 mm và không lớn hơn 4 mm đối với chiều cao cửa từ 2100 mm đến 2400 mm; Không lớn hơn 2 mm đối với chiều rộng cánh cửa tới 1200 mm |
Tham khảo Phụ lục A của tiêu chuẩn này và ISO 6443 |
Bảng 2 - Các sai lệch kích thước cho phép.
5.2. Yêu cầu kỹ thuật của cửa
5.2.1. Độ bền của cửa bao gồm độ bền chịu va đập, độ bền áp lực gió, độ kín nước, độ lọt khí.
5.2.2. Các chỉ tiêu và giới hạn cho phép về độ bền của cửa được quy định trong Bảng 3.
Tên chỉ tiêu | Mức | Phương pháp thử | Ghi chú |
1. Độ bền chịu va đập | Chiều sâu vết lõm không lớn hơn 2 mm với trọng lượng mẫu thử 3 kg ± 0,5 kg | AS 2688 | Tham khảo phụ lục C của tiêu chuẩn này |
2. Khả năng đóng mở và lặp lại khuôn cánh cửa sổ | Không gây hạn chế sự vận hành của cửa sổ theo từng kiểu mở với một lực từ 65 N đến 120 N. | TCVN 7452-6: 2004 (ISO 9379:1989) | Tham khảo phụ lục D của tiêu chuẩn này |
3. Độ bền áp lực gió tương ứng với áp lực gió thiết kế theo TCVN 2737: 1995 | - Duy trì các đặc trưng sử dụng của cửa - Biến dạng chấp nhận được phải nhỏ hơn 1/200 chiều rộng của với áp lực thử nghiệm 500 Pa. |
TCVN 7452-3: 2004 | Tham khảo phụ lục E của tiêu chuẩn này |
4. Độ kín nước | Không xuất hiện vệt thấm nước trên mặt trong của cửa với áp lực thử nghiệm lớn hơn 150 Pa | TCVN 7452-2: 2004 (EN 1027:2000) | |
5. Độ lọt khí | Lưu lượng không khí lọt qua cửa nhỏ hơn 16,6 l/s/cm2 tương ứng với áp lực thử nghiệm từ 100 Pa đến 150 Pa. | TCVN 7452-1: 2004 (EN 1026:2000) | Tham khảo phụ lục G của tiêu chuẩn này. |
Bảng 3 -Yêu cầu kỹ thuật của cửa.
5.3. Độ bền lâu
Ngoài những quy định trên, cần kiểm tra việc thực hiện các biện pháp bảo quản chống, mối mọt, nấm mốc, đặc biệt đối với cửa ngoài hoặc cửa đặt ở nơi ẩm ướt thường xuyên, theo các quy định hiện hành.
Đối với cửa ngoài, cần kiểm tra thiết kế cấu tạo ngăn nước mưa lọt vào phía dưới thanh cái ngang đáy và kiểm tra ngăn gió lùa qua khe cánh cửa với khuôn cửa, hoặc giữa hai cánh cửa.
5.4. Yêu cầu về vật liệu chính và phụ kiện cửa
5.4.1. Vật liệu gỗ
5.4.1.1. Yêu cầu kỹ thuật về gỗ lấy theo quy định tại Bảng 1 của TCVN 5373: 1991. Độ ẩm của gỗ gia công cửa cho phép từ 13 % đến 17 %.
5.4.1.2. Đối với cửa trong hoặc cửa ngoài, đặt ở nơi ẩm ướt thường xuyên hoặc tạm thời, khi lựa chọn nhóm gỗ, tham khảo Phụ lục B của tiêu chuẩn này.
5.4.1.3. Các sản phẩm gỗ như gỗ dán, gỗ ép... có thể sử dụng làm cánh cửa, nhưng phải đảm bảo yêu cầu như quy định của tiêu chuẩn này.
5.4.2. Kính
Kính sử dụng trong hộp cửa tuân theo quy định hiện hành và phù hợp với yêu cầu sử dụng.
5.4.3. Chất kết dính
5.4.3.1. Yêu cầu chất kết dính đảm bảo gắn chặt các mối liên kết của khung cánh, bền, chống ẩm và thỏa mãn các yêu cầu thử nghiệm cửa.
5.4.3.2. Chỉ sử dụng các loại chất kết dính khi gia công các chi tiết gỗ có độ ẩm nhỏ hơn 15 %.
5.4.4. Phụ tùng cửa
5.4.4.1. Loại và cấp chất lượng của phụ tùng cửa tùy theo quy định trong hợp đồng đặt hàng, số lượng, kích thước và phương pháp cố định từng loại phụ tùng cửa phải đáp ứng các yêu cầu thử nghiệm hoặc thiết kế.
5.4.4.2. Lớp mặt phụ tùng cửa và các phụ tùng kim khí khác, nếu không phải là vật liệu không rỉ, phải được chống ôxy hóa bằng lớp mạ kẽm. niken, crôm... Không được mạ bằng minimum sắt.
6. Yêu cầu về gia công - liên kết - lắp đặt
6.1. Kết cấu cửa được gia công theo đúng thiết kế đặt hàng hoặc thiết kế mẫu, thiết kế điển hình, nhất là về kiểu dáng, kích thước, mặt cắt và phụ tùng cửa.
6.2. Đầu mộng và lỗ mộng phải khít chặt, khe hở không lớn hơn 0,5 mm. Mặt mộng được xoa ráp hết vệt cưa, lắp ráp ngang bằng. Độ ngậm sâu của đầu mộng không nhỏ hơn chiều rộng thanh cái cửa.
6.3. Liên kết các thanh của khung cánh, khuôn cửa bằng mộng, chốt và chất kết dính phải tạo thành một khung cứng; hạn chế dùng vít, ke. Liên kết khuôn cửa với tường bằng các đố cửa, bật sắt hoặc tắc kê.
6.4. Nẹp che giữa hai cánh cửa, giữa khuôn cửa và khối xây; nẹp ô kính (thay mát tít bằng gỗ cứng thích hợp) có độ dày không đổi suốt dọc thanh, màu sắc hòa hợp với kết cấu cửa; liên kết nẹp với cửa bằng đinh vít.
6.5. Ngưỡng cửa sổ phải đảm bảo thoát nước. Lỗ thoát nước không nhỏ hơn 5 mm2 (tốt nhất là 10 mm2). Cần có chi tiết gạt nước mưa ở dưới thành khung cánh cửa sổ.
6.6. Song cửa sổ hoặc song cánh cửa đi bảo đảm không bị bẻ phá; khoảng cách giữa các thanh lấy theo yêu cầu sử dụng.
6.7. Thanh trên khuôn cửa (nếu thay thế chức năng của lanh tô) phải tính toán đảm bảo độ bền, biến dạng.
6.8. Các thanh của khuôn cửa, khung cánh, có thể nối ghép, nhưng phải đảm bảo độ bền. Rãnh xoi đặt ván bưng, có chiều sâu không nhỏ hơn 8 mm. Rãnh xoi đặt kính, có chiều sâu không nhỏ hơn 12 mm. Chiều sâu hèm khuôn cửa đi bằng tổng chiều dày khung cánh và 3 mm nhưng không nhỏ hơn 13 mm. Nếu có lỗ đặt đường dây trong các thanh của khuôn cửa, thì khoảng cách giữa đáy lỗ và đáy hèm (mặt lỗ) không nhỏ hơn 35 mm.
6.9. Nan chớp lắp ráp trực tiếp hoặc gián tiếp bằng khung nan chớp. Liên kết khung chớp với khung cánh cửa bằng đinh vít. Liên kết nan chớp với khung cánh cửa bằng rãnh xoi hoặc mộng ngậm. Độ nghiêng đặt nan chớp thích hợp nhất là 60°.
6.10. Bản lề (cối) đặt trên cùng một trục. Chiều sâu đặt bản lề không vượt quá chiều dày bản lề, độ lệch lớn nhất là 1 mm. Cửa có chiều cao lớn hơn 1500 mm có số lượng bản lề không nhỏ hơn 2.
6.11. Lắp kính vào các ô cánh cửa cần theo đúng thiết kế và yêu cầu của các quy định hiện hành.
6.12. Chú ý kiểm tra chất lượng các ô kính, kích thước hèm đặt kính, việc cắt kính, lắp đặt, tấm kê cố định và chọn loại matít.
6.13. Có thể sử dụng matít để bảo đảm kín nước giữ kính vào khung cánh, nhưng không dùng loại matít dầu lanh. Chỉ dùng matít lắp kính trong môi trường nhiệt độ lớn hơn 12 °C.
6.14. Cần sử dụng cùng chủng loại sơn hoặc vécni cho cửa, kể cả lớp sơn lót và lớp sơn hoàn thiện. Phải sơn những chỗ khó sơn trước khi lắp ráp.
6.15. Thời gian tối đa bảo đảm chất lượng của lớp sơn vécni của các bộ cửa đặt nơi ẩm ướt, có thể lấy như sau:
a) 3 tháng đối với lớp lót vécni;
6 tháng đối với lớp sơn lót;
b) 6 tháng đối với 2 lớp lót vécni;
12 tháng đối với 2 lớp sơn lót.
6.16. Yêu cầu lắp đặt cửa
6.16.1. khối xây phải đạt chất lượng thi công, ô cửa phải đặt đúng độ cao và kích thước thiết kế; thẳng đứng vuông góc, không cong vênh.
6.16.2. Lắp đặt khuôn cửa cùng lúc với thi công khối tường và nẹp chống. Bản lề goong, bật sắt liên kết với khối xây theo yêu cầu được bọc kín bằng vữa ximăng cát vàng.
6.16.3. Lắp đặt cánh cửa bản lề goong (cửa không khuôn) sau khi ô cửa đạt cường độ chịu lực. Bộ cửa được cố định tạm thời cho tới khi lớp vữa gắn kết với khối tường (hoặc bản lề goong) đạt cường độ chịu lực.
7. Phương pháp thử
7.1. Kiểm tra kích thước: dùng thước kim loại có độ dài thích hợp, có vạch chia chính xác đến 0,5 mm.
7.2. Xác định độ lọt khí theo TCVN 7452-1:2004 (EN 1026:2000).
7.3. Xác định độ kín nước theo TCVN 7452-2:2004 (EN 1027:2000).
7.4. Xác định độ bền áp lực gió theo TCVN 7452-3:2004.
7.5. Thử nghiệm đóng mở và lặp lại theo TCVN 7452-6:2004 (ISO 9379:1989).
7.6. Xác định độ bền chịu va đập theo AS 2688.
8. Ghi nhãn, bảo quản và vận chuyển
8.1. Phải có nhãn hiệu đã đăng kí của cơ sở sản xuất, ở mặt phía trong thanh cái ngang (trên hoặc dưới). Chiều cao chữ không nhỏ hơn 20 mm.
Ngoài ra, trên nhãn hiệu có thể quy định thêm về:
- Áp lực gió thiết kế đối với cửa sổ;
- Cấp chất lượng đã được công nhận theo quy định hiện hành.
8.2. Trong khi chưa lắp đặt, cần bảo quản cửa ở nơi khô ráo, không bị va đập, biến dạng và tránh những tác động trực tiếp của môi trường.
8.3. Khi vận chuyển, cần chú ý xếp đặt có kê đệm, giằng néo và che chắn.
Hy vọng phần trích dẫn “Cửa gỗ: Phân loại, yêu cầu kỹ thuật với cửa sổ cửa đi” đã mang đến cho quý vị những thông tin bổ ích. Hãy gọi chúng tôi để được giải đáp mọi thắc mắc và nhận những tư vấn hoàn toàn miễn phí cho các vấn đề liên quan đến thiết kế xây dựng nhà.
Công ty thiết kế xây dựng: Hoàng Gia Ric.
Chia Sẻ :