So sánh sản phẩm

Công tác chuẩn bị thi công, xây lắp công trình xây dựng

Công tác chuẩn bị thi công, xây lắp công trình xây dựng


Công tác chuẩn bị thi công tuỳ thuộc vào quy mô công trình và các điều kiện giao thông, điện, nước hiện trạng mà mức độ cần chuẩn bị sẽ khác nhau. Bài viết này là trích dẫn “Mục 4: Chuẩn bị thi công” trong TCVN 4055:2012, tiêu chuẩn quốc gia về tổ chức thi công xây lắp các công trình xây dựng. Mời quý vị tham khảo.
 
Nội dung “Công tác chuẩn bị thi công”:

1. Trước khi bắt đầu thi công những công tác xây lắp chính, phải hoàn thành tốt công tác chuẩn bị bao gồm những biện pháp chuẩn bị về tổ chức, phối hợp thi công, những công tác chuẩn bị bên trong và bên ngoài mặt bằng công trường.
 
2. Những biện pháp chuẩn bị về tổ chức, phối hợp thi công gồm có:
 
a) Thỏa thuận thống nhất với các cơ quan có liên quan về việc kết hợp sử dụng năng lực thiết bị thi công, năng lực lao động của địa phương và những công trình, những hệ thống kỹ thuật hiện đang hoạt động gần công trình xây dựng để phục vụ thi công như những hệ thống kỹ thuật hạ tầng (hệ thống đường giao thông, mạng lưới cung cấp điện, mạng lưới cung cấp nước và thoát nước, mạng lưới thông tin liên lạc...), những công ty xây dựng và những công trình cung cấp năng lượng ở địa phương...;
b) Giải quyết vấn đề sử dụng tối đa những vật liệu xây dựng sẵn có ở địa phương;
c) Xác định những tổ chức tham gia xây lắp;
d) Ký hợp đồng kinh tế giao, nhận thầu xây lắp theo quy định của các văn bản Nhà nước về giao, nhận thầu xây lắp.
 
3. Trước khi quyết định những biện pháp chuẩn bị về tổ chức, phối hợp thi công và các công tác chuẩn bị khác, phải nghiên cứu kỹ Hồ sơ thiết kế bản vẽ thi công, dự toán công trình đã được phê duyệt và những điều kiện xây dựng cụ thể tại địa phương. Đồng thời, những biện pháp và công tác đó phải phù hợp với quy định trong 3.12 ("Mục 3.12" trong tiêu chuẩn là "Mục 12" trong bài viết "Quy định chung về tổ chức thi công, xây lắp công trình").
 
4. Tùy theo quy mô công trình, mức độ cần phải chuẩn bị và những điều kiện xây dựng cụ thể, những công tác chuẩn bị bên ngoài mặt bằng công trường bao gồm toàn bộ hoặc một phần những công việc sau đây: xây dựng nhánh đường sắt đến địa điểm xây dựng, xây dựng nhánh đường ô tô, bến cảng, kho bãi để trung chuyển ngoài hiện trường, đường dây thông tin liên lạc, đường dây tải điện và các trạm biến thế, đường ống cấp nước và công trình lấy nước, tuyến thoát nước và công trình xử lý nước thải...
 
5. Tùy theo quy mô công trình, mức độ cần phải chuẩn bị và những điều kiện xây dựng cụ thể, những công tác chuẩn bị bên trong mặt bằng công trình, bao gồm toàn bộ hoặc một phần những công việc sau đây:
 
- Xác lập hệ thống mốc định vị cơ bản phục vụ thi công;
- Giải phóng mặt bằng: rà phá bom mìn, chặt cây, phát bụi trong phạm vi thiết kế quy định, phá dỡ những công trình nằm trong mặt bằng không kết hợp sử dụng được trong quá trình thi công xây lắp;
- Chuẩn bị mặt bằng: san lấp mặt bằng, bảo đảm thoát nước bề mặt xây dựng những tuyến đường tạm và đường cố định bên trong mặt bằng công trường, lắp đặt mạng lưới cấp điện và cấp nước phục vụ thi công, mạng lưới thông tin liên lạc điện thoại và vô tuyến...;
- Xây dựng những công xưởng và công trình phục vụ như: hệ thống kho tàng, bãi lắp ráp, tổ hợp cấu kiện và thiết bị, pha trộn bê tông, sân gia công cốt thép, bãi đúc cấu kiện bê tông cốt thép, xưởng mộc và gia công ván khuôn, trạm máy thi công, xưởng cơ khí sửa chữa, ga-ra ô-tô, trạm cấp phát xăng dầu...;
- Xây lắp các nhà tạm phục vụ thi công: trong trường hợp cho phép kết hợp sử dụng những nhà và công trình có trong thiết kế thì nên xây dựng trước những công trình này để kết hợp sử dụng trong quá trình thi công;
- Đảm bảo hệ thống cấp nước phòng cháy và trang bị chữa cháy, những phương tiện liên lạc và còi hiệu chữa cháy.
 
6. Các công tác chuẩn bị phải căn cứ vào tính chất dây chuyền công nghệ thi công toàn bộ công trình và công nghệ thi công những công tác xây lắp chính nhằm bố trí thi công xen kẽ và đảm bảo mặt bằng thi công cần thiết cho các đơn vị tham gia xây lắp công trình. Thời gian kết thúc công tác chuẩn bị phải được ghi vào nhật ký thi công chung của công trình.
 
7. Vị trí công trình tạm không được nằm trên vị trí công trình chính, không được gây trở ngại cho việc xây dựng công trình chính và phải tính toán hiệu quả kinh tế. Trong mọi trường hợp, phải nghiên cứu sử dụng triệt để các hạng mục công trình chính phục vụ cho thi công để tiết kiệm vốn đầu tư xây dựng công trình tạm và rút ngắn thời gian thi công công trình chính.
 
8. Việc xây dựng nhà ở cho công nhân viên công trường, nhà công cộng, nhà văn hóa sinh hoạt, nhà kho, nhà sản xuất và nhà phụ trợ thi công nên áp dụng thiết kế điển hình hiện hành, đặc biệt chú trọng áp dụng những kiểu nhà tạm, dễ tháo lắp, cơ động và kết hợp sử dụng tối đa những công trình sẵn có ở địa phương.
 
9. Về hệ thống đường thi công, trước hết phải sử dụng mạng lưới đường sá hiện có bên trong và bên ngoài công trường. Trong trường hợp sử dụng đường cố định không có lợi hoặc không đảm bảo cho các loại xe, máy thi công đi lại thì mới được làm đường tạm thi công. Đối với những tuyến đường và kết cấu hạ tầng có trong thiết kế, nếu cho phép kết hợp sử dụng được để phục vụ thi công thì phải đưa toàn bộ những khối lượng đó vào giai đoạn chuẩn bị và triển khai thi công trước. Đơn vị xây lắp phải bảo dưỡng đường sá, bảo đảm đường sử dụng được bình thường trong suốt quá trình thi công.
 
10. Nguồn điện thi công phải được lấy từ những hệ thống điện hiện có hoặc kết hợp sử dụng những công trình cấp điện cố định có trong thiết kế. Những nguồn điện tạm thời (trạm phát điện di động, trạm máy phát đi-ê-den...). Chỉ được sử dụng trong thời gian bắt đầu triển khai xây lắp, trước khi đưa những hạng mục công trình cấp điện chính thức vào vận hành.
Mạng lưới cấp điện tạm thời cao thế và hạ thế cần phải kéo dây trên không. Chỉ được đặt đường cáp ngầm trong trường hợp kéo dây điện trên không không bảo đảm kỹ thuật an toàn hoặc gây phức tạp cho công tác thi công xây lắp. Cần sử dụng những trạm biến thế di động, những trạm biến thế đặt trên cột, những trạm biến thế kiểu cột di động.
 
11. Về cấp nước thi công, trước hết phải tận dụng những hệ thống cung cấp nước đang hoạt động gần công trường.
Khi xây dựng mạng lưới cấp nước tạm thời, trước tiên cần phải xây dựng mạng lưới đường ống dẫn nước cố định theo thiết kế công trình nhằm kết hợp sử dụng phục vụ thi công.
 
12. Tùy theo khối lượng và tính chất công tác xây lắp, việc cung cấp khí nén cho công trường có thể bằng máy nén khí di động hoặc xây dựng trạm nén khí cố định.
 
13. Khi lập sơ đồ hệ thống cấp điện, nước và hệ thống thông tin liên lạc phải dự tính phục vụ cho tất cả các giai đoạn thi công xây lắp và kết hợp với sự phát triển xây dựng sau này của khu vực.
 
14. Chỉ được phép khởi công xây lắp những khối lượng công tác chính của công trình sau khi đã làm xong những công việc chuẩn bị cần thiết phục vụ trực tiếp cho thi công những công tác xây lắp chính và bảo đảm đầy đủ các thủ tục theo quy định hiện hành.
 
Xem thêm:

- Các bước xây nhà trọn gói, xây dựng nhà đẹp (từ xử lý nền móng tới hoàn thiện nội thất).
 
Hy vọng phần trích dẫn “Công tác chuẩn bị thi công” đã mang đến cho quý vị những thông tin bổ ích. Hãy gọi chúng tôi để được giải đáp mọi thắc mắc và nhận những tư vấn hoàn toàn miễn phí cho các vấn đề liên quan đến thiết kế xây dựng nhà.
 

Công ty thiết kế xây dựng nhà: Hoàng Gia Ric.

Chia Sẻ :

Liên hệ chúng tôi