So sánh sản phẩm

Lập kế hoạch tác nghiệp và điều độ sản xuất thi công

Lập kế hoạch tác nghiệp và điều độ sản xuất thi công


Lập kế hoạch tác nghiệp và điều độ sản xuất thi công là công tác sắp xếp, phân bổ khối lượng công việc cho các nguồn lao động để đảm bảo tiến độ công trình. Bài viết này là trích dẫn “Mục 9: Lập kế hoạch tác nghiệp và điều độ sản xuất” trong TCVN 4055:2012, tiêu chuẩn quốc gia về tổ chức thi công xây lắp các công trình xây dựng. Mời quý vị tham khảo.
 
Nội dung công tác "Lập kế hoạch tác nghiệp và điều độ sản xuất":


1. Công tác lập kế hoạch tác nghiệp và điều độ sản xuất phải bảo đảm điều hòa sản xuất và thi công, thường xuyên nắm tình hình, kiểm tra phối hợp hoạt động của các đơn vị sản xuất và cơ sở phục vụ, nhằm hoàn thành đúng thời hạn các khối lượng xây lắp và đưa nhanh công trình vào sử dụng.
 
2. Khi lập kế hoạch tác nghiệp, cần đặc biệt chú ý những vấn đề sau đây:
 
- Đẩy mạnh tốc độ thi công, áp dụng rộng rãi những phương pháp tổ chức thi công và công nghệ thi công tiên tiến, sử dụng tới mức cao nhất công suất các máy móc, thiết bị;
- Sử dụng tối đa năng lực của những tổ chức và đơn vị tham gia thi công;
- Phát hiện những nguồn dự trữ sản xuất;
- Cung ứng kịp thời và đồng bộ cho thi công như: Lực lượng lao động, máy móc thiết bị và vật tư kỹ thuật.
 
3. Để công tác kế hoạch hóa được chính xác và để bảo đảm công tác thi công được nhịp nhàng, phối hợp chính xác giữa những đơn vị xây lắp với các đơn vị sản xuất cấu kiện của công trình và cho từng đơn vị tham gia thi công. Tiến độ thi công cần phải lập chi tiết hàng tuần, hàng ngày, có khi hàng giờ nếu xét thấy cần thiết, và phải kèm theo tiến độ cung ứng vật tư - kỹ thuật, kết cấu, cấu kiện, thiết bị, vật liệu xây dựng tới chân công trình.
Tùy theo điều kiện và tình hình cụ thể của công trường có thể áp dụng cách lập kế hoạch và điều khiển thi công theo phương pháp đường thẳng hoặc phương pháp sơ đồ mạng lưới.
 
4. Kế hoạch tác nghiệp của đơn vị xây lắp phải được lập trên cơ sở phối hợp kế hoạch của những bộ phận sản xuất chính và phụ trợ của đơn vị. Khi lập kế hoạch tác nghiệp của tổ chức nhận thầu chính, phải chú ý xem xét kế hoạch của các đơn vị trực thuộc và kế hoạch của các tổ chức nhận thầu phụ.
 
5. Những tài liệu cơ sở dùng để lập kế hoạch tác nghiệp là:
 
- Kế hoạch sản xuất (tính theo khối lượng và cơ cấu công việc);
- Hồ sơ thiết kế bản vẽ thi công và tiến độ thực hiện công tác xây lắp;
- Tình hình công việc của từng hạng mục công trình trước thời kỳ kế hoạch;
- Các mục tiêu phải đạt được trong kỳ thực hiện kế hoạch tác nghiệp;
- Những tài liệu về khả năng cung cấp lượng lao động và vật tư kỹ thuật trong thời kỳ kế hoạch;
- Các loại định mức sử dụng lao động và tiền lương, sử dụng vật liệu xây dựng, năng suất của các máy xây dựng và thiết bị.
 
6. Kế hoạch tác nghiệp phải được giao trước một số ngày cho các bộ phận thực hiện để các bộ phận này đủ thời gian nghiên cứu và chuẩn bị các điều kiện cần thiết cho thi công.
 
7. Kế hoạch tác nghiệp là cơ sở để tổ chức hạch toán kinh tế. Các số liệu thực hiện kế hoạch tác nghiệp phải đưa kịp vào báo cáo thống kê thường kỳ và là căn cứ để đánh giá hoạt động của những tổ chức và đơn vị xây lắp.
 
8. Việc thực hiện kế hoạch tác nghiệp phải được kiểm tra theo dõi có hệ thống và tổng kết, rút kinh nghiệm kịp thời. Phải xác định được năng suất lao động, mức tiết kiệm (lãng phí) vật liệu, hiệu quả sử dụng máy móc, thiết bị và đánh giá chất lượng công tác thực hiện (sản phẩm, bán thành phẩm hoặc từng phần việc xây lắp).
 
9. Mức độ trang bị các phương tiện kỹ thuật, quy mô và thành phần của bộ phận điều độ sản xuất ở công ty, công trường xây lắp, trong các xí nghiệp sản xuất và các tổ chức tương đương được xác định theo quy mô của tổ chức, số ca làm việc và sự phân bố của các công trình trên địa bàn hoạt động của đơn vị.
 
10. Chức năng chủ yếu của bộ phận điều độ sản xuất là: kiểm tra việc thực hiện kế hoạch tác nghiệp và điều hòa các công việc thi công xây lắp, tổ chức phối hợp hoạt động của các đơn vị sản xuất và các đơn vị cung ứng vật tư kỹ thuật.
 
11. Những mệnh lệnh tác nghiệp của thủ trưởng tổ chức xây dựng có thể do bộ phận điều độ sản xuất truyền đạt hoặc do thủ trưởng trực tiếp chỉ thị cho đơn vị thực hiện rồi báo cho bộ phận điều độ biết.
Những ý kiến điều độ của điều độ viên là bắt buộc đối với tất cả công nhân viên của các đơn vị đang hoạt động trong khu vực mà điều độ viên phụ trách và các đơn vị nhận thầu phụ tham gia thi công.
Bộ phận điều độ có trách nhiệm sử dụng kịp thời những biện pháp cần thiết để ngăn ngừa những vi phạm chế độ thi công bình thường và giải quyết nhanh chóng những hậu quả xảy ra.
 
12. Để truyền đạt những mệnh lệnh tác nghiệp và thông báo tin tức, tùy theo điều kiện và tình hình cụ thể có thể sử dụng điện thoại, loa truyền thanh, điện tín, thông tin vô tuyến v.v...
Danh mục và số lượng các phương tiện kỹ thuật phục vụ điều độ sản xuất trong những công trình đặc biệt phức tạp, được xác định trong thiết kế tổ chức xây dựng.
 
13. Để nắm tình hình kịp thời và kiểm tra tiến độ xây dựng công trình, tình hình thực hiện những giai đoạn thi công xây lắp chính, cần phải áp dụng hệ thống báo cáo nhanh đối với tất cả những tổ chức và đơn vị tham gia thi công xây lắp.
 


Xem thêm: Các bước xây nhà trọn gói, xây dựng nhà đẹp.


 
Hy vọng phần trích dẫn “Lập kế hoạch tác nghiệp và điều độ sản xuất” đã mang đến cho quý vị những thông tin bổ ích. Hãy gọi chúng tôi để được giải đáp mọi thắc mắc và nhận những tư vấn hoàn toàn miễn phí cho các vấn đề liên quan đến thiết kế xây dựng nhà.
 


Công ty thiết kế xây dựng nhà: Hoàng Gia Ric.


Chia Sẻ :

Liên hệ chúng tôi