So sánh sản phẩm

Các loại móng phổ biến trong xây dựng nhà dân dụng

Móng là bộ phận tiếp nhận toàn bộ tải trọng công trình và truyền xuống nền đất. Có loại móng sâu, hạ xuống tận lớp sỏi đá, có loại móng nông đặt trên các nền đất bề mặt. Trong xây dựng nhà dân dụng (nhà ở gia đình), các loại móng phổ biến được sử dụng là móng cọc, móng bè, móng băng. Mời quý vị tham khảo.
 

Nội dung bài viết:


1. Móng cọc

1.1. Mô tả móng cọc
1.2. Cấu tạo móng cọc
1.3. Giới thiệu các loại cọc
1.4. Sức chịu tải của cọc
1.5. Liên kết giữa các đài cọc

2. Móng bè

2.1. Mô tả móng bè
2.2. Cấu tạo móng bè
2.3. Sức chịu tải móng bè

3. Móng băng

3.1. Mô tả móng băng
3.2. Cấu tạo móng băng
3.3. Sức chịu tải móng băng

4. Các đặc điểm chung

4.1. Vật liệu sử dụng
4.2. Liên kết với phần thân


1. Móng cọc

 

1.1. Mô tả móng cọc

 
Móng cọc là hệ kết cấu móng sử dụng cọc bê tông cốt thép hạ sâu xuống nền đất tốt, kết hợp đài cọc phía trên tạo thành hệ khung chống đỡ toàn bộ tải trọng công trình.
 

1.2. Cấu tạo móng cọc

 
Móng cọc gồm có 2 phần là đài cọc và cọc:
 
- Đài cọc là bộ phận liên kết các cọc đứng gần nhau, chịu tải trọng trực tiếp từ cột và có tác dụng phân bổ đều lực lên các đầu cọc.
- Cọc là bộ phận tiếp nhận và truyền tải trọng công trình xuống nền đất tốt, có thể là lớp sỏi đá dưới sâu thông qua phần mũi cọc, cũng có thể là thông qua ma sát giữa mặt bên của cọc với nền đất xung quanh.
 
Các loại móng phổ biến trong xây dựng nhà dân dụng, mặt cắt móng cọc.
Minh hoạ cấu tạo móng cọc, ảnh mặt cắt qua đài cọc và cọc.

1.3. Giới thiệu các loại cọc

 
Cọc bê tông cốt thép có 2 loại là:
 

1.3.1. Cọc đúc sẵn

 
- Cọc đúc sẵn thường gọi là cọc đóng, cọc ép theo tên của phương pháp hạ cọc. Cọc được ghép cốt thép và đổ bê tông theo các khuôn kích thước tại nhà máy trước khi vận chuyển tới công trường và hạ xuống độ sâu thiết kế theo phương pháp đóng hoặc ép bằng máy chuyên dụng.
- Ưu điểm là cọc có thể sản xuất hàng loạt theo nhiều kích thước, giúp giảm thời gian chờ đợi thi công cọc.
- Nhưng nhược điểm là sức chịu tải trọng không cao vì kích thước đúc sẵn và vận chuyển được tới công trường bị giới hạn.
 

1.3.2. Cọc đổ tại chỗ

 
- Cọc đổ tại chỗ, thường được gọi là cọc khoan nhồi bê tông. Cốt thép cọc và bê tông cọc được ghép và đổ trực tiếp tại công trường. Vị trí cọc thiết kế được khoan tạo lỗ, thành vách được giữ vững bằng dung dịch bentonite hoặc ống vách.
- Sau khi tạo lỗ và làm sạch cặn lắng dưới đáy, tiến hành hạ cốt thép và đổ bê tông dưới nước. Bê tông được bơm xuống đáy hố khoan, từ từ đẩy bùn đất đã hoà cùng dung dịch giữ thành hố khoan lên trên cho tới khi lấp đầy hố khoan.
- Ưu điểm là có thể tạo ra cọc có kích thước lớn, đủ sức chịu tải trọng cho các công trình cao tầng.
- Nhược điểm là cần kỹ thuật thi công với độ chính xác cao, đảm bảo cốt thép được bê tông bảo vệ, còn bê tông không bị lẫn bùn đất.
 

1.4. Sức chịu tải của cọc

 
Phụ thuộc vào sức chịu tải vật liệu của cọc và sức chịu tải của nền đất mà cọc đi qua:
 
- Sức chịu tải vật liệu của cọc là khả năng chịu lực mà khối bê tông cốt thép trong cọc có thể chịu được và không bị phá huỷ (nứt, vỡ).
- Sức chịu tải của nền đất mà cọc đi qua là khả năng chống lại sự lún của cọc dưới tác động của công trình phía trên. Sức chịu tải lớn nhất của nền đất mà cọc đi qua sẽ bằng với tải trọng từ cột truyền xuống cọc sao cho độ lún của cọc bằng với giới hạn cho phép về lún.
- Sức chịu tải được lấy để tính toán chịu lực của cọc sẽ luôn nhỏ hơn sức chịu tải vật liệu của cọc và sức chịu tải của nền đất mà cọc đi qua. Khi thi công, lực ép đầu cọc tối thiểu cần lớn hơn 2 lần sức chịu tải tính toán của cọc.
 

1.5. Liên kết giữa các đài cọc

 
Các đài cọc được liên kết với nhau bằng hệ dầm móng, giúp tăng sự ổn định cho đài cọc và giảm độ lún cục bộ tại các vị trí đài cọc có tải trọng lớn hoặc vị trí đài cọc có nền đất yếu hơn.
 
Các loại móng phổ biến trong xây dựng nhà dân dụng, mặt bằng móng cọc.
Minh hoạ mặt bằng móng cọc, thể hiện liên kết giữa các đài cọc là hệ dầm móng.

2. Móng bè

 

2.1. Mô tả móng bè

 
Móng bè là hệ kết cấu móng sử dụng dầm và sàn bê tông cốt thép phủ khắp bề mặt xây dựng công trình. Móng bè cấu tạo và hoạt động như một hệ dầm sàn các tầng phía trên lật ngược lại.
 
Các loại móng phổ biến trong xây dựng nhà dân dụng, mặt bằng móng bè.
Minh hoạ mặt bằng móng bè.
 

2.2. Cấu tạo móng bè

 
Móng bè gồm 2 bộ phận là:
 
- Dầm móng, kích thước hình chữ nhật, chạy qua chân cột, chịu tải trọng trực tiếp từ cột truyền xuống. Dầm móng là bộ phận chịu lực chính của hệ kết cấu móng bè.
- Sàn móng phủ kín bề mặt công trình trong phạm vi của lưới cột và dầm móng, cũng có thể phủ rộng ra phía ngoài hệ dầm tại các vị trí dầm, cột ngoài cùng. Cốt thép sàn móng bè bắt buộc phải đặt 2 lớp, cách bố trí ngược lại so với hệ dầm sàn các tầng nổi phía trên.
 
Các loại móng phổ biến trong xây dựng nhà dân dụng, mặt cắt móng bè.
Minh hoạ mặt cắt móng bè.
 

2.3. Sức chịu tải móng bè

 
- Móng bè thường được sử dụng cho các công trình thấp tầng trên nền đất yếu đã qua xử lý nền hoặc sử dụng cho các công trình có tầng cao tầm trung (khoảng 8 tầng) trên các nền đất tốt.
- Sức chịu tải trọng móng bè phụ thuộc vào cường độ các lớp đất nền và diện tích móng phủ trên bề mặt đất nền. Giả sử các lớp đất nền có cường độ chịu tải là 10 tấn/m2 và móng bè có diện tích là 10 m2 thì sức chịu tải của móng bè sẽ là 100 tấn. Tuy nhiên việc thiết kế móng còn phải tính đến độ lún của móng, độ lún của móng nằm trong tiêu chuẩn cho phép và không bị lún lệch mới đảm bảo an toàn sử dụng.

3. Móng băng

 

3.1. Mô tả móng băng

 
Móng băng là hệ kết cấu móng sử dụng dầm và bản bê tông cốt thép chạy dọc theo các đường nối chân cột hoặc tường chịu lực. Bản móng băng không phủ kín diện tích xây dựng công trình như móng bè, mà chỉ cách đường nối chân cột 1 đoạn theo thiết kế.
 
Các loại móng phổ biến trong xây dựng nhà dân dụng, mặt bằng móng băng.
Minh hoạ mặt bằng móng băng.
 

3.2. Cấu tạo móng băng

 
Móng băng gồm 2 bộ phận là:
 
- Dầm móng băng cấu tạo hoàn toàn giống với dầm móng bè.
- Bản móng băng chạy dọc theo các đường nối chân cột hoặc tường chịu lực và mở rộng sang 2 bên theo chiều rộng thiết kế. Cốt thép bản móng băng chỉ cần bố trí 1 lớp phía đáy móng.
 
Các loại móng phổ biến trong xây dựng nhà dân dụng, mặt cắt móng băng.
Minh hoạ mặt cắt ngang móng băng.
 

3.3. Sức chịu tải móng băng

 
- Móng băng chỉ nên sử dụng cho các công trình thấp tầng, nhà ở gia đình.
- Sức chịu tải trọng móng băng cũng tương tự như với móng bè, nhưng khả năng chịu lún của móng băng không tốt bằng do diện tích móng phủ trên đất nền nhỏ hơn.

4. Các đặc điểm chung

 

4.1. Vật liệu sử dụng

 
- Bê tông cốt thép cần có khả năng chịu các tác động của môi trường ngập nước hoặc mực nước thay đổi liên tục.
 

4.2. Liên kết với phần thân

 
- Móng liên kết với phần thân bằng cốt thép chờ, đặt tại vị trí chân cột, thép chờ chân cột là 1 phần của công tác cốt thép móng.
 
Các loại móng phổ biến trong xây dựng nhà dân dụng, liên kết móng với phần thân.

Minh hoạ liên kết móng với phần thân thông qua cốt thép chân cột.
 

Hy vọng phần trình bày về các loại móng phổ biến trong xây dựng nhà dân dụng đã giúp quý vị có những tham khảo bổ ích, hãy gọi chúng tôi để được giải đáp mọi thắc mắc và nhận những tư vấn hoàn toàn miễn phí cho các vấn đề liên quan đến thiết kế xây dựng nhà ở gia đình.
 


Thực hiện bởi: Hoàng Gia Ric.
Hoàn thành năm: 2020.


 

Tags:,

Chia Sẻ :

Liên hệ chúng tôi