Các yêu cầu đối với thiết bị thử vữa, keo chít mạch
Thiết bị thử vữa, keo chít mạch cần tuân theo các quy định trong tiêu chuẩn quốc gia “TCVN 7899-4: 2008 - Gạch gốm ốp lát - Vữa, keo chít mạch và dán gạch - Phần 4: Phương pháp thử vữa, keo chít mạch”. Bài viết này là trích dẫn “Phụ lục A - Các yêu cầu đối với thiết bị thử” trong tiêu chuẩn nêu trên. Mời quý vị tham khảo.
Nội dung phần trích dẫn:
A1. Thiết bị dằn
A2. Thiết bị thử nghiệm cường độ uốn
A3. Thiết bị thử nghiệm cường độ nén
A4. Bộ gá định vị và thiết bị thử cường độ nén
A.1. Thiết bị dằn
A.1.1. Qui định chung
Thiết bị dằn (thiết kế điển hình như thể hiện trên Hình 2) phải đảm bảo yêu cầu sau:
Thiết bị gồm chủ yếu một bàn hình chữ nhật được nối cứng, chắc với trục xoay bằng hai tay đòn nhỏ cách tâm bàn 800 mm.
Hình 2 - Thiết bị dằn điển hình.
Chú dẫn:
- 1: vấu
- 2: cam
- 3: chốt hãm
- 4: cơ cấu phụ cam
Chú thích:
- Khuôn và bàn dằn của các nhà chế tạo khác nhau có thể có kích thước và khối lượng không như nhau, do đó người sử dụng phải lựa chọn sự thích hợp của sản phẩm.
A.1.2. Cơ cấu bàn dằn, kích thước và khối lượng
Ngay tại tâm của bề mặt dưới bàn có gắn cơ cấu vấu lồi mặt tròn. Sát phía dưới của vấu lồi là một chốt hãm nhỏ với bề mặt phía trên phẳng. Ở vị trí nghỉ, trục đi qua điểm tiếp giáp với mấu và chốt hãm ở vị trí thẳng đứng. Nếu vấu lồi ở vị trí dừng, bề mặt trên của bàn phải ở vị trí nằm ngang sao cho mức của một trong bốn góc không được chênh quá 1,0 mm so với mức trung bình.
Bàn phải có kích thước bằng hoặc lớn hơn kích thước tấm đế khuôn và bề mặt trên của thiết bị. Các kẹp giữ để khuôn với bàn một cách chắc chắn.
Tổng khối lượng của cả bàn, cánh tay đòn, khuôn rỗng, cơ cấu phụ cam và các kẹp giữ phải là (20,0 ± 0,5) kg.
A.1.3. Cánh tay đòn
Các cánh tay đòn nối bàn với trục xoay phải đảm bảo:
- cứng, và
- có kết cấu là một ống tròn với đường kính ngoài nằm trong khoảng 17 mm đến 22 mm được chọn ra trong dãy kích thước ống qui định trong ISO 4200.
Tổng khối lượng của cả hai cánh tay đòn, kể cả bất kỳ thanh nẹp ngang nào, phải là (2,25 ± 0,25) kg. Trục xoay phải là loại hình cầu hoặc trục tròn và được bảo vệ tránh bụi hoặc mạt đá. Sự dịch chuyển ngang của tâm mặt bàn khi trục xoay không được vượt quá 1,0 mm.
A.1.4. Vấu và chốt hãm
Vấu và chốt hãm phải được làm từ vật liệu thép có độ cứng không nhỏ hơn HV 500 giá trị độ cứng Vicker (xem ISO 409-1). Độ lệch của vấu phải bằng khoảng 0,01 mm.
Khi hoạt đông, do chuyển động của cam bàn được dằn nâng lên và rơi tự do xuống ở độ cao (15,0 ± 0,3) mm trước khi vấu đập vào chốt hãm.
A.1.5. Cam
Cam phải được làm từ vật liệu thép có độ cứng không nhỏ hơn HV 400 giá trị độ cứng Vicker và trục của nó phải nằm trong ổ bi theo một kết cấu đảm bảo luôn luôn rơi tự do ở độ cao (15,0 ± 0,3) mm.
Cơ cấu dẫn của cam phải có cấu trúc đảm bảo cho cam ít bị mài mòn nhất.
Cam được khởi động bằng mô tơ điện khoảng 250 W qua một truyền động bánh răng giảm tại một tốc độ không đổi theo vòng/s. Để đảm bảo rằng mỗi chu kỳ dằn đúng 60 cái cần có cơ cấu kiểm soát và thiết bị đếm.
A.1.6. Lắp đặt khuôn
Việc lắp đặt khuôn trên bàn dằn phải đảm bảo sao cho kích thước nằm ngang của các ngăn khuôn thẳng hàng với hướng của tay đòn và vuông góc với trục quay của cam.
Để thuận tiện cho việc đặt đúng khuôn, cần đánh dấu khuôn sao cho tâm điểm của ngăn khuôn ở giữa nằm trực diện trên điểm tác động dằn.
A.1.7. Khối bê tông
Thiết bị dằn phải được đặt chắc chắn trên khối bê tông, như sau:
- khối lượng khoảng 600 kg.
- thể tích khoảng 0,25 m3, và
- kích thước phù hợp với chiều cao làm việc đối với khuôn.
Toàn bộ bệ bê tông phải được đặt trên một đệm đàn hồi, ví dụ bằng cao su thiên nhiên, có khả năng ngăn ngừa chấn rung khi bàn dằn hoạt động.
A.1.8. Bệ máy
Bệ của máy được cố định ngay ngắn trên khối bê tông bằng các bu lông vít chặt.
Giữa bệ và máy được trải một lớp vữa để đảm bảo liên kết toàn bộ hệ thống mà không bị chấn rung.
A.2. Thiết bị thử nghiệm cường độ uốn
Thiết bị thử để xác định cường độ uốn phải có khả năng truyền tải đến 10 kN, chính xác đến ± 1,0 % của tải trọng ghi được trên 4/5 của dải tải trọng sử dụng với tốc độ truyền tải là (50 ± 10) N/s.
Thiết bị phải được trang bị cơ cấu chịu uốn bao gồm hai gối tựa dạng con lăn bằng thép đường kính (10,0 ± 0,5) mm đặt cách nhau (100,0 ± 0,5) mm và một con lăn truyền tải bằng thép có cùng đường kính, được đặt chính giữa hai con lăn gối tựa. Chiều dài của các con lăn khoảng từ 45 mm đến 50 mm. Hình 3 mô tả cách bố trí việc truyền tải.
Ba mặt thẳng đứng xuyên qua trục của ba con lăn phải song song và duy trì tính song song, cách đều nhau và vuông góc với mẫu trong khi thử. Một trong hai con lăn gối tựa và con lăn truyền lực phải đảm bảo hơi nghiêng để tải trọng được phân bổ đồng đều toàn bộ chiều rộng mẫu thử mà không gây ra ứng suất xoắn.
Việc xác định cường độ có thể thực hiện trên cùng thiết bị xác định cường độ nén. Trong trường hợp này cần sử dụng thiết bị phù hợp yêu cầu đã nêu ở trên.
Hình 3 - Bố trí truyền tải để xác định cường độ uốn.
A.3. Thiết bị thử nghiệm cường độ nén
Thiết bị thử nghiệm cường độ nén phải có công suất thích hợp cho phép thử (xem Chú thích 1).
- Thiết bị phải có độ chính xác ± 1,0 % của tải trọng ghi được phía trên của 4/5 dải tải trọng sử dụng và tốc độ truyền tải là (2 400 ± 200) N/s.
- Thiết bị phải có dụng cụ hiển thị và giữ lại giá trị tại thời điểm mẫu bị phá hủy sau khi đã dỡ tải. Việc này có thể đạt được bằng cách sử dụng bộ hiển thị lớn nhất trên đồng hồ áp lực, hoặc có bộ nhớ hiển thị số.
- Thiết bị thao tác bằng tay phải được lắp một dụng cụ đo tốc độ để thuận tiện cho việc kiểm soát tốc độ tăng tải.
Trục thẳng đứng của đầu nén phải trùng với trục thẳng đứng của máy nén và trong suốt quá trình truyền tải hướng chuyển động của đầu nén phải dọc theo trục thẳng đứng của máy nén. Quan trọng nhất là lực phải được truyền qua tâm điểm của mẫu. Bề mặt dưới của tấm nén phải vuông góc với trục của máy nén và giữ vuông góc trong suốt quá trình truyền tải.
Tâm điểm gối cầu của tấm ép trên phải trùng với giao điểm của trục thẳng đứng của thiết bị với mặt phẳng dưới của tấm ép trên với dung sai ± 1 mm. Tấm ép trên phải nằm tự do khi tiếp xúc với mẫu, nhưng vị trí tương đối của tấm ép trên và tấm ép dưới phải giữ được cố định trong suốt quá trình truyền tải.
Các tấm ép của máy nén phải được làm từ thép có độ cứng không thấp hơn HV 600 độ cứng Vicker (xem ISO 409-1), hoặc tốt nhất là bằng vật liệu vonfram cacbua. Các tấm ép này phải dày ít nhất là 10 mm, rộng (40,0 ± 0,1) mm và dài ít nhất (40,0 ± 0,1) mm. Dung sai độ phẳng, theo ISO 1101, trên toàn bộ bề mặt tiếp xúc mẫu, phải là 0,01 mm. Kết cấu bề mặt tấm ép theo ISO 1302, phải nhám hơn N3 và không nhám hơn N6.
Có thể sử dụng tấm ép bằng thép cứng khác hoặc bằng vonfram cacbua, dày ít nhất 10 mm và đáp ứng các yêu cầu đối với tấm ép. Cần đảm bảo việc khoan tâm của tấm ép trùng với trục của hệ thống truyền tải với độ chính xác bằng ± 0,5 mm.
Trong trường hợp thiết bị không có gối cầu hoặc gối cầu bị chẹn, hoặc khi gối cầu có đường kính lớn hơn 120 mm, cần sử dụng bộ gá theo A.4.
Chú thích 1: Máy nén có thể gồm một hoặc hai dải đo. Giá trị cao nhất của dải đo thấp hơn phải bằng khoảng 1/5 giá trị cao nhất của dải đo cao hơn tiếp theo.
Chú thích 2: Tốt nhất là dùng loại máy thử áp dụng phương pháp tự động điều chỉnh tốc độ truyền tải và thiết bị ghi kết quả.
Chú thích 3: Gối cầu của máy phải được bôi trơn nhằm dễ dàng điều chỉnh sự tiếp xúc với mẫu, nhưng chỉ với mức độ vừa phải để tránh sự chuyển dịch các tấm ép trong suốt quá trình truyền tải. Không dùng loại dầu nhờn dễ bị ảnh hưởng dưới áp suất cao.
Chú thích 4: Các thuật ngữ "thẳng đứng", "dưới" và "trên" chỉ là qui ước cho máy thử. Tuy nhiên, khi trục máy thử không thẳng đứng, thì máy thử phải đáp ứng qui trình thử và các yêu cầu khác nêu trong A.3.
A.4. Bộ gá định vị và thiết bị thử cường độ nén
Khi áp dụng các yêu cầu trong A.3 (xem Hình 4), thì bộ gá định vị được đặt giữa các tấm ép của máy để truyền tải của máy tới bề mặt nén của tấm mẫu thử.
Cần sử dụng tấm ép dưới cho bộ gá định vị và tấm ép này của bộ gá gắn liền với tấm ép của máy thử.
Tấm ép trên của gá nhận lực truyền từ tấm ép trên của máy thử qua tâm điểm của gối cầu. Gối cầu tạo nên một phần của cụm thiết bị và có khả năng trượt thẳng đứng mà không gây nên ma sát trong gá định vị.
Gá định vị phải được giữ sạch sẽ và gối cầu có thể xoay tự do làm cho tấm ép vừa khớp với khuôn mẫu ngay từ đầu và sau đó giữ được vị trí như vậy trong suốt quá trình thử. Khi sử dụng gá định vị, phải tuân thủ các yêu cầu nêu trong A.3.
Chú thích 1: Gối cầu của gá có thể được bôi trơn nhưng chỉ vừa phải để tránh làm cho các tấm ép bị chuyển dịch trong suốt quá trình truyền tải. Không dùng loại dầu nhờn bị ảnh hưởng dưới áp suất cao.
Chú thích 2: Sẽ là rất tốt nếu cụm thiết bị có thể tự động trở về vị trí ban đầu sau khi mẫu bị phá hủy.
Hình 4 - Gá thử điển hình dùng để thử nghiệm cường độ nén.
Chú dẫn:
- 1: vòng bi | - 5: tấm ép trên của máy | - 9: tấm ép dưới |
- 2: cơ cấu trượt | - 6: gối cầu của bộ gá | - 10: tấm ép dưới của bộ gá |
- 3: lò xo trả về | - 7: tấm ép trên của bộ gá | - 11: tấm ép dưới của máy |
- 4: gối cầu của máy nén | - 8: mẫu thử |
Hy vọng phần trích dẫn “Các yêu cầu đối với thiết bị thử vữa, keo chít mạch” đã mang đến cho quý vị những thông tin bổ ích. Hãy gọi chúng tôi để được giải đáp mọi thắc mắc và nhận những tư vấn hoàn toàn miễn phí cho các vấn đề liên quan đến thiết kế xây dựng nhà.
Công ty thiết kế xây dựng: Hoàng Gia Ric.
Chia Sẻ :