So sánh sản phẩm

Yêu cầu về thiết kế kiến trúc nhà và công trình công cộng

Yêu cầu về thiết kế kiến trúc nhà và công trình công cộng


Thiết kế kiến trúc là gì? Để đảm bảo an toàn và tiện dụng cho công trình, thiết kế kiến trúc cần thực hiện theo các yêu cầu nào? Làm thế nào để một chủ đầu tư, có thể nhanh chóng phát hiện ra kiến trúc sư đang không thực hiện đúng các nguyên tắc cơ bản trong thiết kế?

Đối với kiến trúc sư, việc nắm chắc câu trả lời sẽ giúp các thiết kế của mình trở nên trọn vẹn hơn, còn đối với chủ đầu tư thì đây chính là những gợi ý để tìm cho mình đội ngũ kiến trúc sư có chuyên môn tốt.
 
Trả lời cho các câu hỏi trên:

Đầu tiên, thiết kế kiến trúc là thiết kế một ngôi nhà từ hình dáng bên ngoài đến phân chia không gian bên trong. Tất cả thể hiện qua các bản vẽ kỹ thuật, làm cơ sở để xây dựng phần thô và hoàn thiện nhà. Thiết kế kiến trúc là phần mở đầu và theo đánh giá của chúng tôi thì cũng là phần quan trọng nhất trong thiết kế nhà.
 
Bản vẽ thiết kế kiến trúc: Mặt đứng biệt thự phố.
Bản vẽ thiết kế kiến trúc: Mặt đứng biệt thự phố.

 
Tiếp theo, thiết kế kiến trúc cần thực hiện theo các yêu cầu của Tiêu chuẩn quốc gia TCVN 4319:2012 về nhà và công trình công cộng để đảm bảo tính an toàn và tiện dụng. Bài viết này, Hoàng Gia Ric xin trích dẫn lại mục “Yêu cầu về thiết kế kiến trúc” trong tiêu chuẩn. Mời quý vị tham khảo.
 

Nội dung các yêu cầu về thiết kế kiến trúc: 


1. Chiều cao tầng
2. Sảnh, hành lang
3. Khu vệ sinh
4. Bậc thềm, lan can, đường dốc
5. Cầu thang bộ
6. Thang máy
7. Cửa đi, cửa sổ
8. Trần, mái nhà
9. Nền và sàn nhà
10. Ống thông hơi và đường ống đổ rác
 


1. Chiều cao tầng

 
1.1. Chiều cao thông thủy các phòng trong nhà và công trình công cộng không nhỏ hơn 3,0 m.
 
1.2. Đối với các công trình có các không gian lớn (như hội trường, phòng khán giả, phòng đa năng, giảng đường, các không gian công cộng khác), tùy thuộc yêu cầu sử dụng và kích thước trang thiết bị nhưng chiều cao tầng không nhỏ hơn 3,6 m.
 
1.3. Chiều cao thông thủy của tầng hầm, tầng kỹ thuật và tầng áp mái không nhỏ hơn 2,2 m.
 
Trường hợp tầng hầm được sử dụng làm không gian dịch vụ, thương mại thì chiều cao thông thủy không nhỏ hơn 3,0 m.
 
Chú thích: Đối với nhà và công trình công cộng có tầng kỹ thuật thì chiều cao của tầng kỹ thuật xác định theo thiết kế, không kể vào chiều cao của tầng nhà, nhưng phải tính vào chiều cao công trình để tính khối tích của ngôi nhà.

2. Sảnh, hành lang

 
2.1. Thiết kế sảnh, sảnh tầng, hành lang (giao thông ngang), không gian chuyển tiếp phải đảm bảo lưu thông trong công trình và tính đến khả năng thoát người ra khu vực an toàn khi có sự cố.
 
2.2. Trong nhà và công trình công cộng, sảnh được tính toán theo chỉ tiêu diện tích từ 0,2 m2/người đến 0,3 m2/người.
 
2.3. Chiều rộng hành lang được tính toán theo yêu cầu thoát hiểm, phòng cháy và đảm bảo yêu cầu sau:
 
- Với hành lang bên: không nhỏ hơn 1,8 m;
 
- Với hành lang giữa: không nhỏ hơn 2,1 m.

3. Khu vệ sinh

 
3.1. Khu vệ sinh phải được ưu tiên chiếu sáng và thông gió tự nhiên trực tiếp.
 
Chú thích: Trường hợp thông gió tự nhiên không đáp ứng yêu cầu thì phải dùng thông gió cơ khí.
 
3.2. Số lượng thiết bị, chiều cao lắp đặt thiết bị trong khu vệ sinh phải phù hợp với yêu cầu kỹ thuật và yêu cầu sử dụng của từng loại nhà và công trình công cộng.
 
3.3. Độ dốc rãnh và độ dốc nền trong các khu vệ sinh không nhỏ hơn 2% hướng về rãnh thoát nước hay phễu thu.
 
3.4. Bề mặt sàn, rãnh trên mặt sàn và bề mặt tiếp xúc của đường ống xuyên qua sàn và sàn với mặt tường phải thiết kế chống thấm, ngăn nước.
 
3.5. Nền và tường khu vệ sinh phải dùng loại vật liệu không trơn trượt, không hút nước, không bám bẩn, chịu xâm thực và dễ làm vệ sinh.

4. Bậc thềm, lan can, đường dốc

 
4.1. Bậc thềm ở nơi tập trung đông người có số bậc lớn hơn 3 cần có lan can bảo vệ và bố trí tay vịn hai bên.
 
4.2. Chiều rộng mặt bậc của bậc thềm không nhỏ hơn 0,3 m. Chiều cao bậc không lớn hơn 0,15 m.
 
4.3. Ở tất cả nơi có tiếp giáp với bên ngoài (như ban công, hành lang ngoài, hành lang bên trong, giếng trời bên trong, mái có người lên, cầu thang ngoài nhà...) phải bố trí lan can bảo vệ và đảm bảo các yêu cầu sau:
 
a) Lan can phải làm bằng vật liệu kiên cố, vững chắc, chịu được tải trọng ngang, được tính toán theo qui định trong TCVN 2737;
 
b) Chiều cao lan can không nhỏ hơn 1,1 m tính từ mặt sàn hoàn thiện đến phía trên tay vịn;
 
c) Trong khoảng cách 0,1 m tính từ mặt nhà hoặc mặt sàn của lan can không được để hở;
 
d) Khoảng cách thông thủy giữa các thanh đứng không lớn hơn 0,1 m;
 

e) Chiều cao tối thiểu của lan can được qui định trong Bảng 1.
 
 Vị trí  Chiều cao tối thiểu (mm)
 1. Lô gia và sân thượng các vị trí cao từ 9 tầng trở lên  1400
 2. Vế thang, đường dốc  900
 3. Các vị trí khác  1100
Bảng 1 - Chiều cao tối thiểu của lan can.
 
4.4. Đối với lối vào có bậc cần thiết kế đường dốc đảm bảo người khuyết tật tiếp cận sử dụng với độ dốc từ 1/12 đến 1/20 và tuân theo qui định trong TCXDVN 264:2002.
 
4.5. Đường dốc phải bằng phẳng, không gồ ghề, không trơn trượt và có tay vịn ở cả hai phía.

5. Cầu thang bộ

 
5.1. Số lượng, vị trí cầu thang bộ phải đáp ứng yêu cầu sử dụng và thoát người an toàn.
 
5.2. Chiều rộng thông thủy của cầu thang bộ tùy thuộc đặc trưng sử dụng của công trình, tuân theo qui định về an toàn sinh mạng, an toàn cháy cho nhà và công trình và các quy định có liên quan.
 
5.3. Khi cầu thang đổi hướng, chiều rộng nhỏ nhất nơi có tay vịn chiếu nghỉ không được nhỏ hơn vế thang. Nếu có yêu cầu vận chuyển những hàng hóa lớn, có thể mở rộng cho phù hợp với yêu cầu sử dụng.
 
5.4. Chiều cao của một đợt thang không nhỏ hơn 2,0 m và phải bố trí chiếu nghỉ. Chiều dài và rộng của mỗi chiếu tới, chiếu nghỉ ít nhất phải bằng chiều rộng nhỏ nhất của vế thang.
 
5.5. Chiều cao thông thủy (không kể vế thang đầu tiên tại tầng trệt) của phía trên và phía dưới chiếu nghỉ cầu thang không nhỏ hơn 2,0 m. Chiều cao thông thủy của vế thang không nhỏ hơn 2,2 m.
 
Chú thích: Chiều cao thông thủy của vế thang là chiều cao thẳng đứng tính từ mặt bậc của vế thang dưới đến mặt trần nghiêng của vế thang trên.
 
5.6. Cầu thang bộ phải có tối thiểu một phía có tay vịn nếu chiều rộng vế thang nhỏ hơn 1,0 m. Có tay vịn ở cả hai bên nếu vế thang rộng hơn 1,0 m (trường hợp một bên là tường thì cho phép không có tay vịn ở bên tường). Tay vịn phải kéo dài phủ hết hai bậc thang cuối cùng.
 
5.7. Bậc cầu thang phải có chiều rộng không nhỏ hơn 280 mm và chiều cao không lớn hơn 180 mm (trừ bậc thang trong cơ sở giáo dục mầm non có chiều cao bậc không lớn hơn 120 mm).
 
Chú thích: Chiều cao và chiều rộng bậc của tất cả các bậc thang phải thỏa mãn yêu cầu tổng của hai lần chiều cao cộng với chiều rộng bậc thang (2H+B) không nhỏ hơn 550 mm và không lớn hơn 700 mm. Với H là chiều cao bậc; B là chiều rộng bậc.

6. Thang máy

 
6.1. Nhà và công trình công cộng có độ cao trên 6 tầng ngoài cầu thang bộ nên thiết kế thang máy. Số lượng thang phụ thuộc vào loại thang và lượng người phục vụ. Trường hợp có yêu cầu đặc biệt phải được cấp có thẩm quyền phê duyệt.
 
6.2. Việc thiết kế và lựa chọn công suất, tải trọng và vận tốc của thang máy phải căn cứ vào số tầng cần phục vụ, lượng người cần vận chuyển tối đa trong thời gian cao điểm, yêu cầu về chất lượng phục vụ và các yêu cầu kỹ thuật khác.
 
6.3. Việc lắp đặt thang máy và yêu cầu an toàn khi sử dụng tuân theo qui định có liên quan.
 
6.4. Mỗi một đơn nguyên công trình hay một khu phục vụ sử dụng thang máy làm phương tiện giao thông đứng chủ yếu thì số lượng thang máy chở người không được ít hơn 2.
 
6.5. Thang máy phải được bố trí ở gần lối vào chính.
 
6.6. Buồng thang máy phải đủ rộng, có biện pháp thông gió, chống ẩm, chống bụi và bố trí tay vịn xung quanh. Bảng điều khiển và chỉ dẫn phải đảm bảo cho người khuyết tật tiếp cận sử dụng.
 
6.7. Không được bố trí trực tiếp bể nước trên buồng thang máy và không cho các đường ống cấp nước, cấp nhiệt, cấp ga và các đường ống kỹ thuật khác đi qua buồng thang máy.
 
6.8. Kết cấu bao che của buồng thang máy phải được cách nhiệt, cách âm và chống rung.

7. Cửa đi, cửa sổ

 
7.1. Cửa đi, cửa sổ trong nhà và công trình công cộng phải có kết cấu và cấu tạo đảm bảo an toàn, bền vững, phù hợp với chức năng của không gian sử dụng; có giải pháp che mưa hắt, giảm được bức xạ mặt trời và chịu được áp lực gió.
 
7.2. Khi sử dụng các loại cửa kính hoặc vách kính trong suốt phải có các biểu tượng hoặc ký hiệu nhận biết, có màu sắc tương phản với nền xung quanh kể cả nhìn từ ngoài vào và nhìn từ trong ra và phải đảm bảo qui định về an toàn về sinh mạng và sức khỏe.
 
7.3. Cửa sổ mở ra hành lang chung phải đảm bảo độ cao từ mặt sàn đến mép dưới của cửa không nhỏ hơn 2,0 m.
 
7.4. Cửa đi mở ra hành lang thoát người và gian cầu thang không được ảnh hưởng đến chiều rộng thoát người của hành lang và cầu thang.
 
7.5. Cấu tạo của cửa đi phải đóng mở thuận lợi, bền và chắc chắn.
 
Các cửa lớn đóng mở bằng tay phải có bộ phận hãm. Cửa kéo, đẩy phải có biện pháp chống trượt khỏi đường ray.
 
Cửa lò xo hai mặt, phải bố trí tấm kính trắng ở phần trên cao để có thể nhìn thấy được.
 
Cạnh khu vực cửa quay, cửa tự động và cửa loại lớn phải bố trí cửa ra vào thông thường.
 
7.6. Cửa sổ, cửa mái và cửa thông gió phải đảm bảo đóng, mở hoặc điều chỉnh độ mở một cách an toàn.
 
7.7. Cửa sổ, cửa trời, các vách bao che, trần hoặc mái kính cần phải đảm bảo an toàn khi tiếp cận để làm vệ sinh.
 
7.8. Sử dụng kính cho cửa sổ và cửa đi phải phù hợp với qui định trong TCVN 7505:2005.

8. Trần, mái nhà

 
8.1. Khi thiết kế trần, mái của nhà và công trình công cộng phải đảm bảo yêu cầu cách nhiệt, chống thấm, thoát nước mưa và đảm bảo mỹ quan.
 
8.2. Mái có bố trí lớp cách nhiệt phải tính toán nhiệt, đồng thời phải có biện pháp chống đọng sương, chống thấm nước bốc hơi và chống ẩm cho lớp cách nhiệt.
 
8.3. Dùng mái có tầng khung cách nhiệt thì lớp không khí này phải có đủ độ cao và không làm cản trở đường thông gió.
 
8.4. Trường hợp thiết kế mái dốc phải xác định độ dốc của mái trên cơ sở cấu tạo, điều kiện của vật liệu, thời tiết của địa phương, tham khảo qui định trong Bảng 2.
 
 Cấu tạo mái Độ dốc nhỏ nhất
 1. Ngói xi măng, ngói đất sét không có lớp lót 1: 2
 2. Ngói xi măng, ngói đất sét có lớp lót 1: 2,5
 3. Tấm lợp xi măng amiăng 1: 3
 4. Tấm lợp kim loại 1: 4
 5. Mái bê tông cốt thép (có lớp cách nhiệt và chống xâm thực) 1: 50
 6. Tấm thép hình 1: 7
Bảng 2 - Độ dốc nhỏ nhất của các loại mái.
 
8.5. Dùng mái tấm xi măng lưới thép hoặc kết cấu bê tông cốt thép vỏ mỏng, phải có biện pháp bảo vệ chống phong hóa, chống xâm thực. Mái chống thấm cứng phải có biện pháp chống nứt.
 
8.6. Các lớp vật liệu mái (bao gồm phần nhô ra của mái và tầng áp mái) đều phải dùng vật liệu không cháy.
 
8.7. Ở những nơi có gió mạnh phải có biện pháp gia cố cho mái ngói và mái dùng vật liệu cuộn.
 
8.8. Đối với nhà và công trình công cộng có chiều cao lớn hơn 10 m, phải bố trí có cầu thang lên mái.
 
8.9. Khi sử dụng trần làm tầng kỹ thuật hoặc trần treo có hệ thống đường ống tương đối nhiều, phải bố trí tầng áp mái để kiểm tra sửa chữa, đồng thời bố trí sàn đi lại nếu có yêu cầu.
 
8.10. Thoát nước mái phải ưu tiên dùng thoát nước bên ngoài nhà. Mái của nhà cao tầng, có khẩu độ lớn và diện tích tập trung nước tương đối lớn phải dùng thoát nước bên trong nhà.

9. Nền và sàn nhà

 
9.1. Mặt sàn và nền nhà của các gian phòng phải bảo đảm không trơn trượt, không có kẽ hở, không bị mài mòn, dễ lau chùi và chống được nồm, ẩm.
 
Đối với các công trình thể thao, mặt và nền sàn phải có tính năng đàn hồi và cách âm tốt.
 
Đối với các bệnh viện, phòng thí nghiệm mặt và nền sàn phải không bị biến dạng do thuốc sát trùng hoặc tẩy uế và chống được tác dụng của các chất hóa học.
 
9.2. Nền nhà và phần chân tường tiếp xúc với đất nền cần đảm bảo ngăn được nước và hơi ẩm từ dưới đất thấm lên phía trên của nền và tường và ngăn ngừa khả năng lún không đều.
 
9.3. Sàn các khu vực dùng nước phải đảm bảo không đọng nước và ngăn được nước thấm qua.
 
9.4. Cần có biện pháp phòng ngừa, tránh được nguy cơ các chất độc hại ở bề mặt hoặc trong nền đất của công trình hoặc sử dụng vật liệu hoặc các chất phụ gia có tính độc hại để làm vật liệu lát nền, gây hại đến sức khỏe con người.

10. Ống thông hơi và đường ống đổ rác

 
10.1. Ống thông hơi trong nhà và công trình công cộng phải phù hợp với những qui định dưới đây:
 
- Được làm bằng vật liệu không cháy; Không sử dụng các loại ống giòn, dễ vỡ;
 
- Mặt cắt, hình dạng, kích thước và mặt trong của ống phải thuận tiện cho việc thoát khí dễ dàng, không làm cản trở, tắc, rò rỉ khói và thoát ngược;
 
- Tổng diện tích mặt cắt ống được xác định căn cứ vào lượng không khí cần hút để tránh hiện tượng chênh lệch áp suất giữa ống đứng thoát khí và áp suất khí quyển;
 
- Ống thông hơi vượt lên trên mái không nhỏ hơn 0,7 m, cách cửa sổ hoặc cửa hút gió không nhỏ hơn 3 m theo chiều ngang. Trên đỉnh ống cần có biện pháp để tránh thoát ngược.
 
- Lỗ vào khói của đường ống thông hơi mỗi tầng phải có nắp đậy.
 
10.2. Tùy thuộc vào điều kiện cụ thể, có thể thu gom rác tại chỗ đặt tại các tầng hoặc bố trí đường ống đổ rác cho công trình. Trong nhà và công trình công cộng cần có biện pháp phân loại rác thải tại nguồn.
 
10.3. Thu gom rác thải tại chỗ được áp dụng cho các tòa nhà không xây dựng hệ thống đường ống đổ rác và trường hợp thu gom rác thải cồng kềnh có khối tích lớn.
 
10.4. Nếu thu rác tại chỗ thì chỗ thu rác của từng tầng được bố trí tại các góc khuất gần cầu thang. Các thùng thu gom rác phải đảm bảo kín, không phát tán mùi, không rò rỉ, không rơi vãi khi vận chuyển. Việc vận chuyển các thùng thu gom rác phải được thực hiện trong ngày.
 
10.5. Nếu sử dụng phòng lưu giữ rác phải có biện pháp chống mùi hôi và phải có hệ thống cấp thoát nước phục vụ công tác vệ sinh. Hàng ngày phải vệ sinh khu vực thu gom rác thải.
 
10.6. Sàn và tường phòng lưu giữ rác phải sử dụng vật liệu có khả năng chống ăn mòn, chống thấm, không ẩm mốc, không trơn trượt, dễ làm vệ sinh và là vật liệu khó cháy.
 
10.7. Nếu bố trí đường ống đổ rác thì khoảng cách từ cửa phòng đến đường ống đổ rác gần nhất không lớn hơn 25 m.
 
10.8. Đường ống đổ rác nên bố trí dựa vào tường ngoài nhà, thẳng đứng, mặt trong trơn, nhẵn, chống bám dính, không rò rỉ, không có vật nhô ra để ngăn cản rác khi rơi xuống, chống được sự ăn mòn. Ống đổ rác được cách ly với những phần khác của ngôi nhà bằng các bộ phận ngăn cháy.
 
10.9. Đường ống đổ rác nên thiết kế hình trụ tròn có đường kính không nhỏ hơn 0,5 m. Thành ống phải có độ dày lớn hơn 1,2 mm có khả năng chống ngấm nước, tiêu âm, chịu nhiệt cao, tránh nguy cơ cháy trong quá trình sử dụng.
 
10.10. Đường ống đổ rác phải có thiết bị rửa, vệ sinh đường ống và quạt hút gió để khử mùi, làm khô và thoát khí.
 
10.11. Cửa đổ rác có kích thước thông thủy tối thiểu 500 mm x 500 mm, lắp ở sườn ống đổ rác và cách mặt sàn 800 mm và có nắp đậy bằng gioăng kín.
 
10.12. Cửa đổ rác chế tạo bằng thép chịu nhiệt có độ dày lớn hơn 1,2 mm, phủ lớp sơn tĩnh điện và có lớp cách âm, cách nhiệt, có khả năng chống cháy trong vòng 120 min.
 
10.13. Đầu đường ống đổ rác phải có đường ống thoát hơi nhô lên trên mái 0,7 m. Diện tích mặt cắt không được nhỏ hơn 0,05 m2, đồng thời phải có bộ phận chụp mái để che mưa và lưới chắn chống chuột, bọ.
 
10.14. Buồng thu rác được bố trí ngay dưới miệng xả rác ở tầng một. Chiều cao thông thủy của buồng thu rác tối thiểu lấy 2,5 m.
 
10.15. Buồng thu rác phải có lối vào riêng và có cửa mở ra ngoài. Cửa buồng thu rác được cách ly với lối vào nhà bằng tường đặc và được ngăn bằng tường chống cháy.
 
10.16. Nơi tập trung và thu gom rác thải phải cách ly với các không gian hoạt động của nhà và công trình công cộng và được bố trí hợp lý, thuận tiện để xe thu gom rác dễ ra vào.
 
10.17. Cần có hố thu nước chảy từ buồng thu rác vào hệ thống thoát nước bẩn hoặc bố trí máy bơm thoát nước cục bộ.
 
10.18. Phương thức thu gom và vận chuyển rác phải phù hợp với phương thức quản lý rác của đô thị.
 
Trên đây là nội dung các yêu cầu về thiết kế kiến trúc, trích dẫn từ Tiêu chuẩn quốc gia TCVN 4319:2012, hy vọng quý vị tìm đọc nhanh hơn và có thêm nhiều kiến thức bổ ích. Nếu có thêm câu hỏi, hãy gọi chúng tôi để được giải đáp mọi thắc mắc và nhận những tư vấn hoàn toàn miễn phí về thiết kế xây dựng nhà.
 

Công ty thiết kế xây dựng nhà: Hoàng Gia Ric.

Chia Sẻ :

Liên hệ chúng tôi