So sánh sản phẩm

Các thuật ngữ xây dựng sử dụng trong thiết kế nhà

Các thuật ngữ xây dựng sử dụng trong thiết kế nhà.


Thuật ngữ xây dựng là các từ ngữ biểu đạt khái niệm (định nghĩa) chuyên môn ngành xây dựng. Sẽ rất dễ hiểu lầm nếu chúng ta là một người ngoài ngành và chưa từng tiếp xúc với ngôn ngữ xây dựng. Bài viết này, Hoàng Gia Ric trích dẫn mục “thuật ngữ định nghĩa” trong Tiêu chuẩn quốc gia - TCVN 4319:2012 về Nhà và công trình công cộng. Mời quý vị tham khảo, để hiểu rõ hơn các thuật ngữ.

Nội dung thuật ngữ:


1. Chiều cao
2. Tầng nhà
3. Diện tích
4. Chỉ giới
5. Hệ số và mật độ


1. Chiều cao

1.1 Chiều cao công trình

 
Chiều cao tính từ cốt mặt đất đặt công trình theo quy hoạch được duyệt tới điểm cao nhất của công trình, kể cả mái tum và mái dốc.
 
Chú thích: Các thiết bị kỹ thuật trên mái (gồm: cột ăngten, cột thu sét, thiết bị sử dụng năng lượng mặt trời, bể nước kim loại...) không tính vào chiều cao công trình.

 

1.2. Chiều cao tầng

 
Chiều cao tầng là khoảng cách giữa hai sàn nhà, được tính từ sàn tầng dưới đến sàn tầng kế tiếp.

 

1.3. Chiều cao thông thủy

 
Chiều cao từ mặt sàn hoàn thiện đến mặt dưới của kết cấu chịu lực hoặc trần đã hoàn thiện của tầng đó.

2. Tầng nhà

2.1. Số tầng nhà

 
Số tầng của ngôi nhà bao gồm toàn bộ các tầng trên mặt đất (kể cả tầng kỹ thuật, tầng áp mái, mái tum) và tầng nửa hầm.
 
Chú thích: Các tầng hầm không tính vào số tầng nhà.

 

2.2. Tầng trên mặt đất

 
Tầng có cốt sàn cao hơn hoặc bằng cốt mặt đất đặt công trình theo quy hoạch được duyệt.

 

2.3. Tầng hầm

 
Tầng có quá một nửa chiều cao nằm dưới cốt mặt đất đặt công trình theo quy hoạch được duyệt.

 

2.4. Tầng nửa hầm

 
Tầng có một nửa chiều cao nằm trên hoặc ngang cốt mặt đất đặt công trình theo quy hoạch được duyệt.

 

2.5. Tầng áp mái

 
Tầng nằm bên trong không gian của mái dốc mà toàn bộ hoặc một phần mặt đứng của nó được tạo bởi bề mặt mái nghiêng hoặc mái gấp, trong đó tường đứng (nếu có) không cao quá mặt sàn 1,5 m.

 

2.6. Tầng kỹ thuật

 
Tầng bố trí các thiết bị kỹ thuật. Tầng kỹ thuật có thể là tầng hầm, tầng nửa hầm, tầng áp mái hoặc tầng thuộc phần giữa của ngôi nhà.

3. Diện tích

3.1. Diện tích sử dụng

 
Tổng diện tích làm việc và diện tích phục vụ.
 
Diện tích các gian phòng, các bộ phận được tính theo kích thước thông thủy tính từ mặt ngoài lớp trát (nhưng không trừ bề dày của lớp vật liệu ốp chân tường) và không tính diện tích các ống rác, ống khói, ống thông hơi, điện, nước… đặt trong phòng hay bộ phận đó.

 

3.2. Diện tích làm việc

 
Tổng diện tích các phòng làm việc chính và phòng làm việc phụ trợ.
 
Chú thích: Diện tích làm việc gồm những diện tích sau:
 
1) Diện tích hành lang kết hợp phòng học trong trường học, chỗ ngồi chơi trong bệnh viện, nhà an dưỡng, nhà hát, rạp chiếu bóng, câu lạc bộ…
 
2) Diện tích các phòng phát thanh, khối quản lý, phòng bảng điện, tổng đài, phòng phụ của sân khấu, chủ tịch đoàn, phòng kỹ thuật máy chiếu phim…

 

3.3. Diện tích phục vụ

 
Tổng diện tích sảnh, hành lang, buồng thang, khu vệ sinh, buồng đệm và các phòng kỹ thuật.
 
Chú thích: Các phòng kỹ thuật là các phòng đặt nồi hơi, phòng đặt máy bơm, máy biến thế, thiết bị thông gió cơ khí, máy điều hòa không khí, phòng để thiết bị máy thang máy chở người, chở hàng hóa.

 

3.4. Diện tích kết cấu

 
Tổng diện tích của tường, vách, cột tính trên mặt bằng, bao gồm:
 
- Tường chịu lực và không chịu lực;
 
- Tường và vách ngăn;
 
- Cột;
 
- Ngưỡng cửa đi, bậu cửa sổ các loại;
 
- Các ống khói, ống rác, ống thông hơi, ống cấp điện, ống nước đặt ngầm (kể cả phần lỏng ống và bề dày của từng ống);
 
- Các hốc tường, các khoảng tường trống giữa hai phòng không lắp cửa đi, có chiều rộng nhỏ hơn 1 m và chiều cao nhỏ hơn 1,9 m.
 
Chú thích:
 
1) Diện tích kết cấu của tường, cột đều tính cả lớp trát hoặc ốp tường.
 
2) Các hốc tường, các khoảng tường trống giữa hai phòng không lắp cửa đi, rộng từ 1,0 m trở lên và cao trên 1,9 m (kể từ mặt sàn) thì tính vào diện tích phòng.

 

3.5. Diện tích sàn của một tầng

 
Diện tích sàn trong phạm vi mép ngoài của các tường bao thuộc tầng. Phần diện tích hành lang, ban công, logia và các diện tích khác nằm trên sàn cũng được tính trong diện tích sàn.

 

3.6. Diện tích tầng áp mái

 
Diện tích đo tại cốt sàn trong phạm vi mép ngoài của các tường bao thuộc tầng áp mái.

 

3.7. Tổng diện tích sàn của ngôi nhà (công trình)

 
Tổng diện tích sàn của tất cả các tầng, bao gồm cả các tầng hầm, tầng nửa hầm, tầng kỹ thuật và tầng áp mái.

 

3.8. Khối tích xây dựng

 
Tích số của diện tích xây dựng ngôi nhà, diện tích sàn của tầng hoặc phòng nhân với chiều cao của ngôi nhà, tầng nhà và phòng, kể cả tầng kỹ thuật.

4. Chỉ giới

4.1. Chỉ giới đường đỏ

 
Đường ranh giới phân định giữa phần lô đất để xây dựng công trình và phần đất được dành cho đường giao thông hoặc các công trình kỹ thuật hạ tầng.

 

4.2. Chỉ giới xây dựng

 
Đường giới hạn cho phép xây dựng nhà, công trình trên lô đất.

5. Các hệ số và mật độ

5.1. Hệ số mặt bằng K1

 
Hệ số thể hiện mức độ tiện nghi sử dụng mặt bằng công trình. Hệ số K1 càng nhỏ thì mức độ tiện nghi càng lớn. Hệ số mặt bằng K1 được tính theo công thức sau:
 
          Diện tích làm việc
K1 = --------------------------          (1)
          Diện tích sử dụng
 
Chú thích: Hệ số mặt bằng K1 thường lấy từ 0,4 đến 0,6.

 

5.2. Hệ số khối tích K2

 
Hệ số thể hiện mức độ tiện nghi sử dụng khối tích công trình. Hệ số mặt bằng K2 được tính theo công thức sau:
 
          Khối tích ngôi nhà
K2 = ---------------------------          (2)
          Diện tích làm việc

 

5.3. Mật độ xây dựng

 
Mật độ xây dựng thuần (net-tô) là tỷ lệ diện tích chiếm đất của các công trình kiến trúc xây dựng trên tổng diện tích lô đất (không bao gồm diện tích chiếm đất của các công trình như: các tiểu cảnh trang trí, bể bơi, sân thể thao ngoài trời (trừ sân ten-nit và sân thể thao được xây dựng cố định và chiếm khối tích không gian trên mặt đất), bể cảnh và các vật thể kiến trúc khác).
 
Mật độ xây dựng gộp (brut-tô) của một khu vực đô thị là tỷ lệ diện tích chiếm đất của các công trình kiến trúc trên tổng diện tích toàn khu đất (diện tích toàn khu đất bao gồm cả sân đường, các khu cây xanh, không gian mở và các khu vực xây dựng công trình trong khu đất đó).

 

5.4. Hệ số sử dụng đất HSD

 
Tỷ số của tổng diện tích sàn toàn công trình trên diện tích khu đất.
 
            Tổng diện tích sàn toàn công trình
HSD = -----------------------------------------------
                    Diện tích khu đất

 
Hy vọng "Các thuật ngữ xây dựng sử dụng trong thiết kế nhà" đã giúp quý vị hiểu rõ hơn về ngôn ngữ chuyên ngành xây dựng. Nếu có thêm câu hỏi, hãy gọi chúng tôi, Hoàng Gia Ric luôn sẵn sàng giải đáp mọi thắc mắc.
 

Công ty thiết kế xây dựng: Hoàng Gia Ric. 
 
Xem thêm:

- Các thuật ngữ xây dựng sử dụng trong phân loại phân cấp công trình:
Tại Mục 1.5 bài viết Các quy định về phân loại, phân cấp công trình.
- Các thuật ngữ xây dựng sử dụng trong công tác lát và láng nền nhà:
Tại Mục 3 bài viết Công tác lát và láng nền trong xây dựng hoàn thiện nhà.
- Các thuật ngữ xây dựng sử dụng trong công tác trát tường và trần nhà:
Tại Mục 3 bài viết Công tác trát tường và trần trong xây dựng hoàn thiện nhà.
- Các thuật ngữ xây dựng sử dụng trong công tác ốp tường:
Tại Mục 3 bài viết Công tác ốp tường trong xây dựng hoàn thiện nhà.

- Các thuật ngữ xây dựng về cốt liệu cho bê tông và vữa:
Tại Mục 3 bài viết Yêu cầu kỹ thuật đối với cốt liệu cho bê tông và vữa.
- Các thuật ngữ xây dựng về gạch lát nền Teraro:
Tại Mục 3 bài viết Gạch Terazo: Các yêu cầu kỹ thuật và phương pháp thử.

- Các thuật ngữ xây dựng về gạch gốm ốp lát:
Tại Mục 3 bài viết Gạch gốm ốp lát: Định nghĩa, phân loại, đặc tính kỹ thuật.

- Các thuật ngữ xây dựng về vữa, keo dán gạch gốm ốp lát:
Tại Mục 3 bài viết Yêu cầu kỹ thuật đối với vữa, keo dán gạch gốm ốp lát.

- Các thuật ngữ xây dựng về vữa, keo chít mạch gạch gốm ốp lát:
Tại Mục 3 bài viết Yêu cầu kỹ thuật đối với vữa, keo chít mạch gạch gốm ốp lát.

- Các thuật ngữ xây dựng sử dụng trong tiêu chuẩn về cửa gỗ:
Tại bài viết Thuật ngữ sử dụng trong tiêu chuẩn về cửa gỗ

- Các thuật ngữ xây dựng sử dụng trong tiêu chuẩn về gỗ dán:
Tại Mục 3 bài viết "Yêu cầu, phân loại gỗ trang trí bằng ván mỏng".
Mục 3 bài viết "
Yêu cầu kỹ thuật đối với gỗ dán ván mỏng".
- Các thuật ngữ xây dựng sử dụng trong keo dán gỗ:
Tại bài viết Thuật ngữ và định nghĩa sử dụng trong keo dán gỗ.

Chia Sẻ :

Liên hệ chúng tôi