Phương pháp thử biến dạng ngang của vữa, keo dán gạch
Sự biến dạng ngang của vữa, keo dán gạch theo định nghĩa trong TCVN 7899-1: 2008 là sự biến dạng theo phương ngang ghi lại được tại điểm giữa của thanh vữa đã đóng rắn khi được chất tải tại ba điểm. Bài viết này là trích dẫn “Mục 4.5 - Xác định biến dạng ngang” trong tiêu chuẩn quốc gia “TCVN 7899-2: 2008 - Gạch gốm ốp lát - Vữa keo chít mạch và dán gạch - Phần 2: Phương pháp thử vữa keo dán”. Mời quý vị tham khảo.
Nội dung phần trích dẫn:
1. Quy định chung
2. Vật liệu và thiết bị thử
3. Cách tiến hành
4. Đánh giá và biểu thị kết quả
5. Báo cáo thử nghiệm
1. Quy định chung
Sự biến dạng ngang được xác định theo điều kiện và quy trình thử nghiệm trong TCVN 7899-2: 2008 với hướng dẫn cụ thể sau đây.
2. Vật liệu và thiết bị thử
2.1. Nền thử, màng polyetylen dày 0,15 mm.
2.2. Thùng nhựa, có nắp đảm bảo kín khí, dung tích bên trong (26 ± 5) l, ví dụ thùng có kích thước thích hợp là (600 ± 20) mm x (400 ± 10) mm x (110 ± 10) mm.
2.3. Tấm lót, cứng, nhẵn, phẳng để lót màng phim polyetylen.
2.4. Cái đe, bằng kim loại, có kết cấu và kích thước như mô tả trên Hình 11.
2.5. Bộ gá thử, gồm hai trụ đỡ hình ống bằng kim loại, đường kính (10 ± 0,1) mm, đặt cách nhau (200 ± 1) mm tính từ tâm trụ, dài ít nhất 60 mm. (Xem Hình 12).
2.6. Khuôn A, khung hình chữ nhật, bằng vật liệu cứng, nhẵn, không hấp thụ, có kích thước trong (280 ± 1) mm x (45 ±1) mm, dày (5 ± 0,1) mm, ví dụ bằng vật liệu polytetrafluoroetylen (PTFE) hoặc kim loại.
Chú thích:
Khoan vào mỗi góc trong một lỗ tròn với đường kính 2 mm để chế tạo mẫu thử dễ dàng. (Xem Hình 13).
2.7. Khuôn B, khuôn bằng vật liệu cứng, nhẵn, không hút nước (xem Hình 14) hoặc dụng cụ tương tự có khả năng tạo mẫu thử kích thước (300 ±1) mm x (45 ±1) mm x (3 ± 0,05) mm.
2.8. Máy nén
Máy nén có khả năng truyền lực qua đe (nêu trong mục 2.4) đến mẫu thử với tốc độ 2 mm/phút.
2.9. Bàn dằn
Bàn dằn được sử dụng để dằn mẫu 280 mm x 45 mm x 5 mm theo Hình 15.
Hình 11 - Cái đe
Hình 12 - Gá thử nghiệm
Chú dẫn:
- 1: trụ đỡ, đường kính (10 ± 0,1)mm, dài ít nhất 60 mm;
- 2: mẫu vữa/keo dày (3 ± 0,3) mm.
Hình 13 - Khuôn A
Hình 14 - Khuôn B
Hình 15 - Bàn dằn
3. Cách tiến hành
3.1. Chuẩn bị nền thử
Cố định màng polyetylen (nêu trong mục 2.1) chắc chắn với tấm lót (nêu trong mục 2.3) đảm bảo bề mặt sẽ trát vữa/keo không bị vặn xoắn, ví dụ nếp gấp hoặc vết nhăn.
3.2. Chuẩn bị cụm mẫu thử
Đặt khuôn A lên màng phim một cách chắc chắn. Trải một lớp vữa, keo lên bề mặt khuôn sau đó miết vữa, keo sao cho vữa, keo phủ kín các lỗ khuôn. Kẹp khuôn chắc chắn lên bàn dằn và dằn mẫu 70 cái. Cẩn thận nhấc khuôn ra khỏi bàn dằn và từ từ nhấc khuôn lên theo hướng thẳng đứng.
Bôi một lớp chất tháo dỡ khuôn lên khuôn B và cố định khuôn lên chính giữa mẫu. Đặt quả cân lên khuôn để truyền một lực (100 ± 0,1) N trên tiết diện khoảng (290 x 245) mm. Lực nén đảm bảo làm lấp kín vữa, keo vào các chỗ hõm của khuôn để đạt được chiều dày cần thiết. Gạt bỏ vữa, keo thừa ở các cạnh bên của khuôn và 1 h sau thì nhấc quả cân ra.
Sau 48 h, nhấc khuôn B ra. Chuẩn bị 6 mẫu thử cho mỗi phép thử.
3.3. Bảo dưỡng mẫu
Ngay sau khi tháo khuôn B ra, đặt 6 mẫu thử trong tấm lót vào nằm ngang trong thùng nhựa, đậy kín thùng để đảm bảo kín khí.
Bảo dưỡng cụm mẫu ở nhiệt độ (23 ± 2) oC. Sau 12 ngày, lấy mẫu ra khỏi thùng nhựa và bảo dưỡng tiếp 14 ngày trong điều kiện tiêu chuẩn ngoài không khí.
3.4. Biến dạng ngang
Sau khi kết thúc quá trình bảo dưỡng, nhấc mẫu ra khỏi màng polyetylen và dùng calip có vạch chia 0,01 mm đo chiều dày mẫu, tại ba điểm: ví dụ điểm giữa và hai điểm cách các đầu mẫu (50 ± 1) mm. Nếu có ba giá trị nằm trong dung sai yêu cầu (3,0 ± 0,1) mm, tính giá trị trung bình: loại bỏ mẫu có giá trị nằm ngoài chiều dày cho phép.
Đặt mẫu thử lên gá thử (Hình 12)
Điểm bắt đầu được xác định khi đe thử chạm vào mẫu. Làm biến dạng mẫu, bằng cách truyền tải trọng ngang qua đe, tính từ điểm bắt đầu, với tốc độ 2 mm/phút đến khi mẫu bị phá hủy.
Ghi lại sự biến dạng tính từ điểm bắt đầu, bằng milimét.
Lặp lại phép thử với mẫu thử khác. Cần ít nhất 3 mẫu thử.
4. Đánh giá và biểu thị kết quả
Kết quả biến dạng ngang là trung bình cộng các giá trị biến dạng thu được, chính xác đến 0,1 mm.
Cấp biến dạng được quy định trong Bảng 3 của TCVN 7899-1: 2008 (ISO 13007-1: 2004).
5. Báo cáo thử nghiệm
Báo cáo thử nghiệm phải bao gồm các thông tin sau:
a) viện dẫn tiêu chuẩn này, ví dụ “TCVN 7899-2: 2008 (ISO 13007-2: 2005)”;
b) ngày tiến hành thử nghiệm;
c) loại vữa/keo, ký hiệu thương mại và tên cơ sở sản xuất;
d) nơi gửi mẫu, ngày nhận mẫu và thông tin đầy đủ về mẫu thử;
e) cách xử lý và bảo quản mẫu trước khi thử nghiệm;
f) điều kiện thử nghiệm;
g) lượng nước hoặc phụ gia lỏng sử dụng để chuẩn bị mẫu;
h) các kết quả thử (giá trị đơn lẻ, giá trị trung bình và kiểu bong tróc, nếu cần);
i) mô tả kỹ mặt nền thử nghiệm;
j) bất kỳ yếu tố nào có ảnh hưởng đến kết quả thử;
k) kết quả thử nghiệm: giá trị biến dạng đơn lẻ và giá trị trung bình, tính bằng milimét.
Hy vọng phần trích dẫn “Phương pháp thử biến dạng ngang của keo dán gạch” đã mang đến cho quý vị những thông tin bổ ích. Hãy gọi chúng tôi để được giải đáp mọi thắc mắc và nhận những tư vấn hoàn toàn miễn phí cho các vấn đề liên quan đến thiết kế xây dựng nhà.
Công ty thiết kế xây dựng: Hoàng Gia Ric.
Chia Sẻ :