Phương pháp thử độ bền hóa của vữa, keo dán gạch
Độ bền hoá của vữa, keo dán gạch là khả năng bảo toàn về khối lượng, kích thước và cường độ chịu lực của vữa, keo khi được ngâm trong dung dịch hoá chất. Bài viết này là trích dẫn “Mục 4.6 - Xác định độ bền hoá” trong tiêu chuẩn quốc gia “TCVN 7899-2: 2008 - Gạch gốm ốp lát - Vữa keo chít mạch và dán gạch - Phần 2: Phương pháp thử vữa keo dán”. Mời quý vị tham khảo.
Nội dung phần trích dẫn:
1. Quy định chung
2. Thiết bị, dụng cụ
3. Hoá chất
4. Mẫu thử
5. Cách tiến hành
6. Biến dạng do nén
7. Đánh giá và biểu thị kết quả
8. Báo cáo thử nghiệm
1. Quy định chung
Độ bền hóa của keo dán gạch và chít mạch gốc nhựa phản ứng (R) và (RG) được xác định theo điều kiện và quy trình thử chung trong điều 3 và các hướng dẫn cụ thể sau đây.
2. Thiết bị, dụng cụ
2.1. Khuôn
Khuôn là một ống hình trụ thẳng, đường kính (25 ± 1) mm, cao (25 ± 1) mm. Khuôn được làm bằng vật liệu phù hợp để có thể tạo hình được mẫu thử.
Dạng khuôn phổ biến là tấm nhựa phẳng, dày (25 ± 1) mm, được cắt các lỗ tròn đường kính (25 ± 1) mm, đáy được bịt bằng tấm nhựa dày 6 mm, bắt vít hoặc cách khác để cố định. Có thể dùng các đoạn ống tròn có đường kính trong (25 ± 1) mm và cao (25 ± 1) mm để làm khuôn, thành ống phải đảm bảo cứng để không bị thay đổi kích thước khi đúc mẫu. Bịt một đầu ống bằng tấm nhựa phẳng dày 6 mm.
Vật liệu để làm khuôn phải bền với hóa chất và không bị dính bết. Các dạng vật liệu như polyetylen, polypropylen, polytetrafluoretylen và kim loại mạ tetrafluoroetylen là phù hợp.
2.2. Thùng chứa
2.2.1. Bình miệng rộng, có dung tích phù hợp và có nắp xoắn bằng nhựa hoặc kim loại tráng nhựa, để thử nghiệm ở nhiệt độ thấp trong môi trường ít bay hơi.
2.2.2. Bình tam giác, có dung tích phù hợp, có gioăng tiêu chuẩn và có gắn ống ngưng tụ hồi lưu để sử dụng trong môi trường bay hơi.
2.2.3. Bình chứa, có đặc điểm như mô tả trong mục 2.2.1 và 2.2.2, được làm từ vật liệu bền hóa học phù hợp sử dụng trong môi trường ăn mòn thủy tinh.
2.3. Máy nén
Máy nén có công suất và độ chính xác thích hợp cho thử nghiệm và có các tốc độ thử khác nhau. Máy có khả năng truyền lực nén đến mẫu qua bộ gá được thiết kế phù hợp với mẫu thử.
3. Hóa chất
Hóa chất phải chứa các thành phần mà vật liệu chịu tác động trong quá trình sử dụng.
4. Mẫu thử
4.1. Số lượng mẫu thử
Số lượng mẫu thử yêu cầu tùy thuộc vào môi trường thử, các nhiệt độ khác nhau cần thử và tần suất phép thử. Nếu không có quy định nào khác thì một tổ mẫu gồm ít nhất ba mẫu trụ ứng với mỗi môi trường thử ở một nhiệt độ thử và một chu kỳ thử. Ngoài ra, một tổ mẫu khác gồm ít nhất ba mẫu trụ cũng phải luôn luôn sẵn sàng cho chu kỳ bảo dưỡng, một tổ mẫu khác gồm ít nhất ba mẫu trụ, tương ứng với số lượng nhiệt độ thử, cho toàn bộ chu kỳ thử.
Tính toán toàn bộ số lượng mẫu thử như sau:
N = n(M x T x l) + (n x T) + n
Trong đó:
- N là số lượng mẫu thử;
- n là số lượng mẫu thử cho mỗi phép thử đơn;
- M là số lượng môi trường thử;
- T là số lượng nhiệt độ thử;
- l là số lượng chu kỳ thử.
4.2. Kích thước mẫu thử
Cụm mẫu thử là các mẫu hình trụ đúc sẵn, đường kính (25 ± 1) mm, cao (25 ± 1) mm, bề mặt trơn phẳng vuông góc với trục ống, được chuẩn bị bằng các khuôn theo mục 2.1 và không dính chất tháo dỡ khuôn.
4.3. Chuẩn bị mẫu thử
Trộn các thành phần theo tỷ lệ theo hướng dẫn của nhà sản xuất. Dùng tay hoặc máy trộn để trộn, đảm bảo mọi thành phần được trộn đều.
4.4. Bảo dưỡng
Bảo dưỡng các cụm mẫu 7 ngày trong điều kiện tiêu chuẩn. Bảy ngày là kể cả thời gian bảo dưỡng trong khuôn. Sau 7 ngày, tiến hành thử một tổ mẫu theo mục 6
5. Cách tiến hành
5.1. Đo, cân và đánh giá sau chu kỳ bảo dưỡng
Ngay sau khi kết thúc bảo dưỡng, đo kích thước tất cả mẫu thử bằng dụng cụ micromet, chính xác đến 0,03 mm. Tiến hành hai phép đo tại hai góc vuông đối xứng và ghi kết quả là giá trị trung bình của hai lần đo.
Ngay sau khi đo, cân tất cả mẫu, chính xác đến 0,001 g, trên cân phân tích và ghi kết quả. Trước khi ngâm, ghi một số nhận xét về màu và bề mặt mẫu cũng như màu của môi trường thử.
Đặt nằm các mẫu trụ đã cân vào từng thùng chứa, để ngâm.
5.2. Ngâm mẫu
Đổ hóa chất lên mẫu thử, luôn ngập ít nhất 10 mm. Đặt thùng chứa đã đậy kín vào tủ sấy đã được điều chỉnh ở nhiệt độ ổn định theo yêu cầu, hoặc trong môi trường lỏng đã được điều chỉnh về gần với điều kiện sử dụng và tiếp xúc thực tế. Thường xuyên thay thế hóa chất nếu thấy kém tác dụng, nhằm giữ cho nồng độ và thành phần hóa chất phù hợp yêu cầu.
5.3. Sau khi ngâm
Sau 28 ngày ngâm, lấy mẫu ra và xác định độ bền hóa. Thực hiện tiếp quá trình ngâm nếu cần
Rửa nhanh từng mẫu 3 lần dưới vòi nước lạnh chảy và dùng khăn giấy thấm khô nhanh từng mẫu giữa các lần rửa. Sau lần thấm lần cuối, sấy mẫu 30 phút, để yên mẫu trên bề mặt cong và cân mẫu chính xác đến 0,001 g và đo kích thước từng mẫu thử như mô tả trong mục 5.1. Ghi lại bất kỳ một sự ăn mòn nào trên bề mặt mẫu, sự phai màu mẫu và các dạng cặn lắng của hóa chất.
6. Biến dạng do nén
Xác định cường độ nén cho mỗi tổ mẫu như sau:
- ngay sau khi kết thúc bảo dưỡng;
- sau mỗi chu kỳ ngâm mẫu trong hóa chất và ở mỗi nhiệt độ thử;
- sau khi gia nhiệt trong không khí đối với toàn bộ chu kỳ thử ở mỗi nhiệt độ thử.
Thời gian tính từ khi lấy mẫu ra khỏi môi trường bảo dưỡng đến khi thử mẫu phải tương đồng ở tất cả các mẫu thử. Đặt mẫu thử lên máy nén sao cho bề mặt của các mẫu hình trụ được tiếp xúc hoàn toàn với thớt nén hoặc khung nén. Truyền tải trọng lên mẫu với tốc độ (5,5 ± 0,5) mm/phút như khi máy chạy không tải. Khi mẫu bị phá hủy, ghi lại tải trọng lớn nhất.
7. Đánh giá và biểu thị kết quả
7.1. Sự thay đổi khối lượng
Tính toán phần trăm mất đi hoặc thêm vào của mẫu, chính xác đến 0,01 % của mỗi chu kỳ ngâm mẫu, lấy khối lượng sau khi điều hòa mẫu là 100%.
Sự thay đổi khối lượng được tính theo công thức sau:
(mw - mc)
∆m = ---------------- x 100
mc
Trong đó:
- ∆m là chênh lệch khối lượng, tính bằng phần trăm;
- mc là khối lượng mẫu thử sau chu kỳ bảo dưỡng đầu tiên, tính bằng gam;
- mw là khối lượng mẫu thử sau khi ngâm, tính bằng gam.
Xác định giá trị trung bình của 3 mẫu hoặc hơn.
Kết quả cho dấu cộng (+) là khối lượng tăng, hoặc dấu trừ (-) là khối lượng giảm.
7.2. Sự thay đổi đường kính
Tính sự thay đổi đường kính mẫu, chính xác đến 0,01 %, của mỗi chu kỳ thử, lấy đường kính sau 7 ngày bảo dưỡng là 100 %.
Sự thay đổi đường kính mẫu được tính theo công thức sau:
(d2 - d1)
∆d = ---------------- x 100
d1
Trong đó:
- ∆d là sự thay đổi đường kính, tính theo phần trăm;
- d1 là đường kính mẫu sau chu kỳ bảo dưỡng đầu tiên, tính bằng milimét;
- d2 là đường kính mẫu sau chu kỳ ngâm mẫu, tính bằng milimét.
Xác định giá trị trung bình của 3 mẫu hoặc hơn.
Kết quả cho dấu cộng (+) là đường kính tăng, hoặc dấu trừ (-) là đường kính giảm.
7.3. Sự thay đổi cường độ nén
Tính cường độ nén tăng hoặc giảm, chính xác đến 0,01% của mẫu trong quá trình ngâm, lấy cường độ sau 7 ngày bảo dưỡng trong điều kiện tiêu chuẩn là 100%.
Tính diện tích tiết diện của mẫu theo giá trị đường kính xác định trong mục 5.
Sự thay đổi cường độ nén được tính theo công thức sau:
(C2 - C1)
∆C = ---------------- x 100
C1
Trong đó:
- ∆C là chênh lệch cường độ nén, tính bằng phần trăm;
- C1 là tải trọng trên diện tích tiết diện nén của mẫu sau chu kỳ bảo dưỡng, tính bằng niutơn trên milimét vuông;
- C2 là tải trọng trên diện tích tiết diện nén của mẫu sau chu kỳ ngâm, tính bằng niutơn trên milimét vuông;
Kết quả cho dấu cộng (+) là cường độ nén tăng, hoặc dấu trừ (-) là cường độ nén giảm.
8. Báo cáo thử nghiệm
Báo cáo thử nghiệm gồm các thông tin sau:
a) viện dẫn tiêu chuẩn này, cụ thể là “TCVN 7889-2: 2008 (ISO 13007-2: 2005)”;
b) ngày tiến hành thử nghiệm;
c) loại vữa/keo, ký hiệu thương mại và tên cơ sở sản xuất;
d) nơi gửi mẫu, ngày nhận mẫu và thông tin đầy đủ về mẫu thử;
e) cách xử lý và bảo quản mẫu trước khi thử nghiệm;
f) điều kiện thử nghiệm;
g) lượng nước hoặc phụ gia lỏng sử dụng để chuẩn bị mẫu;
h) các kết quả thử (giá trị đơn lẻ, giá trị trung bình và kiểu bong tróc, nếu cần);
i) mô tả kỹ mặt nền thử nghiệm.
j) bất kỳ yếu tố nào có ảnh hưởng đến kết quả thử;
k) các điều kiện khi ngâm trong hóa chất, tần suất thay đổi hóa chất, nồng độ, nhiệt độ, v.v...
l) màu sắc và ngoại quan của mẫu trước khi thử nghiệm;
m) toàn bộ thời gian thử nghiệm và thời gian ngâm mẫu, tính theo ngày.
Mỗi chu kỳ ngâm mẫu cần ghi lại các dữ liệu sau:
1) giá trị trung bình của sự thay đổi khối lượng mẫu, tính bằng phần trăm;
2) giá trị trung bình của sự thay đổi đường kính;
3) nhận xét ngoại quan mẫu sau khi ngâm (vết nứt bề mặt, độ bóng, sự ăn mòn, vết rỗ, sự hóa mềm v.v...);
4) nhận xét ngoại quan hóa chất thử (sự mất màu, cặn v.v...);
5) giá trị trung bình của sự thay đổi cường độ nén mẫu.
Hy vọng phần trích dẫn “Phương pháp thử độ bền hoá học của vữa, keo dán gạch” đã mang đến cho quý vị những thông tin bổ ích. Hãy gọi chúng tôi để được giải đáp mọi thắc mắc và nhận những tư vấn hoàn toàn miễn phí cho các vấn đề liên quan đến thiết kế xây dựng nhà.
Công ty thiết kế xây dựng: Hoàng Gia Ric.
Chia Sẻ :
Tin liên quan
-
Điều kiện và quy trình thử nghiệm chung của keo …
-
Phương pháp thử: Xác định thời gian mở của keo …
-
Phương pháp thử: Xác định độ trượt của keo dán …
-
Thử độ bám dính khi cắt đối với keo dán gạch D và …
-
Thử độ bám dính khi kéo đối với vữa dán gạch gốc …
-
Phương pháp thử biến dạng ngang của vữa, keo dán …